Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023, ngày 27/3, tại Trụ sở Chính phủ.

2.jpg
Quang cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023. Ảnh: Chính phủ

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về 5 nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014; dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) lên không quá 3 tháng

Các thành viên Chính phủ cho rằng, căn cứ các nghị quyết, kết luận của Đảng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thời gian qua, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông là có đầy đủ cơ sở: chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất các chính sách trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, gồm: Không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỷ lệ tham gia của Nhà nước trong các dự án hợp tác công tư - PPP (Luật PPP quy định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50%, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng); giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án giao thông, có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương khi cần thiết; giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án liên kết vùng đi qua địa bàn hai tỉnh và hỗ trợ vốn cho địa phương khác, cùng với hỗ trợ của ngân sách của Trung ương khi cần thiết.

Về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết, các chính sách được đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 để thực hiện được ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và người nước ngoài…

Về dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đây là một dự án luật quan trọng, tác động lớn tới quyền, lợi ích của người dân, có nội dung có nhiều vấn đề mới nên còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng…

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng đây là dự án luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và nền kinh tế, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhất là nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng, minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành và các dự án luật đang được Chính phủ trình Quốc hội, tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề nghị tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam.

Các thành viên Chính phủ đề nghị cần tiếp tục tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành; xác định những bất cập, vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực hiện thì sửa đổi, bổ sung, kế thừa những quy định đã ổn định, áp dụng có hiệu quả; bám sát kết luận của Thường trực Chính phủ, tiếp tục lấy ý kiến góp ý về dự án luật.

3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Luật pháp phải phục vụ sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích chung lên trên hết. Ảnh: Chính phủ

Làm đến đâu chắc đến đó để luật pháp đi thẳng vào cuộc sống

Kết luận phiên họp, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các Bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình; tích cực thẩm định, thẩm tra kịp tiến độ trình Chính phủ; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành chủ trì tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng; chú trọng việc tổ chức lấy ý kiến các đối tượng tác động, nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn; tăng cường truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội.

"Làm đến đâu chắc đến đó để luật pháp đi thẳng vào cuộc sống. Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu" - Thủ tướng nêu rõ.

Lưu ý thêm một số nội dung, Thủ tướng đề nghị các quy định, thủ tục xuất nhập cảnh phải tạo thuận lợi cho người dân và du khách, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, giảm phiền hà, phòng chống tiêu cực.

Với lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng; luật pháp phải phục vụ sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích chung lên trên hết; tất cả cần chung tay, chung sức, tháo gỡ khó khăn, xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động thực sự công khai, minh bạch, hội nhập, phát triển bền vững, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân, thiết kế công cụ tốt để tăng cường giám sát, kiểm tra.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí cùng các cơ quan soạn thảo cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách trước, trong và sau khi xây dựng, ban hành chính sách, giải thích rõ những vấn đề liên quan, đặc biệt là quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân.

Theo Thủ tướng, công việc ngày càng nhiều khi thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng từ lâu, có những văn bản mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua, nên phải rà soát, bám sát thực tiễn, điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp điều kiện đất nước và tình hình từng giai đoạn, nhất là giai đoạn có nhiều khó khăn hiện nay, tạo động lực, xung lực, cảm hứng để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, con người, thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; nếu chưa kiện toàn bộ phận chủ trì nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm kiện toàn.

Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao, bảo đảm chất lượng thẩm định các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. Các Bộ, ngành khi được hỏi ý kiến phải bảo đảm việc góp ý bảo đảm tiến độ và thực sự chất lượng. Nội dung này đã được Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương; cần quán triệt và chủ động, tích cực hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5./.

Cùng chuyên mục
Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu