Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nêu rõ: Bình Dương cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là 4 địa phương nằm trong tứ giác kinh tế phía Nam, tạo nên động lực chính trong phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng phát triển năng động, đầu mối giao thương quốc gia, có khả năng thích ứng cao, hướng tới phát triển cân bằng và bền vững.
Sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của chính quyền, quân và dân, tỉnh Bình Dương đã có sự phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một địa phương phát triển về công nghiệp - dịch vụ trong khu vực và cả nước.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn vẫn là nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, tỉnh Bình Dương cần phát huy hơn nữa dân chủ, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, trao đổi để huy động sức mạnh tập thể, có cách làm đổi mới, sáng tạo; phải bình tĩnh xem xét và đưa ra quyết định phù hợp, hiệu quả trên tinh thần bảo đảm tối đa lợi ích của Nhân dân, của quốc gia, dân tộc.
Tiếp tục xác định xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại là chìa khóa quan trọng trong liên kết vùng, giảm áp lực giao thông đường bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, qua đó đóng vai trò như vốn mồi và đòn bẩy để tiếp tục thu hút thêm nguồn lực từ xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng cần tranh thủ sự giúp đỡ tối đa của các Bộ, cơ quan, địa phương và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vận dụng, khai thác tốt hơn nữa các lợi thế so sánh hiện hữu về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, hạ tầng khu công nghiệp đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại cùng lực lượng lao động dồi dào, đa dạng về văn hóa nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và tạo động lực mới cho tăng trưởng của tỉnh.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng cho rằng Bình Dương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch hành động của địa phương để thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước. Trước mắt, tỉnh Bình Dương cần triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng…
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và xã hội theo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên tinh thần hợp tác bền vững, các bên cùng thành công, có lợi.
Bám sát, nắm chắc tình hình, tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Làm tốt công tác quy hoạch, trong đó quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại - dịch vụ hiện đại, đồng bộ.
Theo Phó Thủ tướng, Bình Dương đã thành công với mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ. Tuy nhiên, để giúp các nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh… tỉnh cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển từ Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ sang Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ - Thông minh và xa hơn là Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ - gắn liền với Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
"Được biết, Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC) đã được hoàn thành. Trong tương lai gần, Bình Dương cần phát triển WTC trở thành một trung tâm kinh tế thương mại - dịch vụ đầy đủ tiện ích phục vụ cho tất cả cư dân sinh sống và làm việc tại thành phố thông minh Bình Dương, tạo nền tảng kết nối thị trường trong nước và quốc tế, làm hình mẫu nhân rộng mô hình này trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng đề nghị.
Thực hiện nhất quán quan điểm phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm toàn diện, bền vững, không để ai ở lại phía sau. Bảo đảm phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở về xã hội, y tế, giáo dục; tăng cường kết nối cung - cầu lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VSIP Group - liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp Development LTD (Singapore) dẫn đầu - với đại diện lãnh đạo 9 tỉnh của Việt Nam gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình và Nam Định./.