Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đối với công tác mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất... phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa. |
Yêu cầu trên được Bộ Tài chính nêu tại Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm trong điều kiện có dịch Covid-19 đối với phương tiện, trang thiết bị hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (không bao gồm thuốc, vaccine và mua sắm từ nguồn vốn đầu tư công).
Cụ thể: nguồn kinh phí phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ” là: dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo phương án phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế; đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả không để thiếu kinh phí, nhất là kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế.
Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 482/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trong tổ chức thực hiện, trường hợp địa phương có khó khăn về cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định về đấu thầu và quy định pháp luật liên quan.
Các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức đấu thầu theo các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Luật Đấu thầu (gồm: đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt).
Trong thời gian có dịch được cấp có thẩm quyền công bố, các địa phương được quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc phạm vi quản lý để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
Theo quy định, khi xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất 1 trong 5 yếu tố sau:
Thứ nhất, giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 3 báo giá.
Thứ hai, dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: Chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm).
Thứ ba, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, DN thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá.
Thứ tư, giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.
Thứ năm, giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.
Giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu./.
THÙY ANH