Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn quản lý thu, chi tiền công đức - Ảnh minh họa |
Dự thảo Thông tư đã quy định rõ về quản lý thu, chi tài chính.
Cụ thể, đối với quản lý tiền trong hòm công đức: Cơ sở quản lý di tích căn cứ tình hình thực tế để quyết định số lượng hòm công đức đặt tại di tích, bảo đảm thuận lợi cho việc công đức. Hòm công đức đảm bảo mỹ quan, bền vững và phù hợp với di tích; được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và trưởng ban quản lý di tích quản lý độc lập.
Tiền công đức, tài trợ cho di tích được sử dụng để chi: hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang tại di tích; tuyên truyền, phổ biến về nguồn gốc, giá trị di sản văn hóa của di tích; chi bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; chi đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của di tích; chi các hoạt động từ thiện gắn với di tích...
Dự thảo Thông tư cũng quy định, việc công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mang tính tự nguyện. Không được ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội; không được coi việc công đức, tài trợ là điều kiện để tổ chức lễ hội hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích; không được quy định mức bình quân, mức tối thiểu công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội.
Dự thảo hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đề xuất người làm công đức, tài trợ bằng cách: bỏ tiền vào hòm công đức, đưa cho bộ phận tiếp nhận công đức tại di tích, chuyển tiền vào tài khoản của cơ sở quản lý di tích mở tại ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước. Trong đó, khuyến khích công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử./.
THÙY ANH