
Liên tiếp đón tin vui
Trong vòng 1 tuần cuối tháng 02/2025, “Đảo Ngọc” Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) liên tiếp đón 3 chuyến tàu biển du lịch 5 sao quốc tế đưa du khách đến tham quan, mua sắm. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, tỉnh ước đón trên 2,2 triệu lượt du khách (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2024); tổng thu từ du lịch hơn 8.800 tỷ đồng. Đây là một trong hàng loạt tín hiệu vui của ngành du lịch ngay từ những tháng đầu năm.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL), tính chung trong 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón hơn 3,96 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa đạt 26,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước khoảng 160.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương đạt doanh thu nghìn tỷ từ du lịch, tăng cao so với cùng kỳ năm 2024 như: Hà Nội đạt 18.250 tỷ đồng, tăng 9%; TP. Hồ Chí Minh đạt 37.400 tỷ đồng, tăng 30,2%; Khánh Hòa đạt 10.300 tỷ đồng, tăng 27,1%...
Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, với doanh thu đạt 980-1.050 tỷ đồng, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp.
Cùng với đó, các thị trường đưa khách đến Việt Nam cũng cho thấy những tín hiệu tích cực. Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 956.000 lượt (chiếm 27,7%); Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 885.000 lượt… Ngoài ra, các thị trường ở châu Âu cũng tăng trưởng ấn tượng, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ hai thị trường lớn là Australia, Ấn Độ, hứa hẹn mang đến lượng khách lớn trong năm nay…
Nằm trong chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025, Việt Nam sẽ miễn thị thực nhập cảnh với mục đích du lịch cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ (theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/01/2025 của Chính phủ); 12 nước, chủ yếu là châu Âu, được gia hạn miễn thị thực đến năm 2028 (theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 07/3/2025 của Chính phủ)… Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế khi thực hiện các thủ tục nhập xuất cảnh, góp phần thúc đẩy việc thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, đây được coi là động lực quan trọng để kích cầu phát triển du lịch năm nay.
“Góp thêm vào những dấu ấn này, các điểm đến du lịch Việt còn liên tục được vinh danh ở nhiều giải thưởng quốc tế, qua đó góp phần quảng bá, đưa vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách hiệu quả”, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.
Cần những cú “bắt tay” với doanh nghiệp
Những kết quả đạt được vừa qua của ngành du lịch là rất đáng khích lệ, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng đạt 8% năm 2025. Song để đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch cần tận dụng hiệu quả các chính sách kích cầu, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn du khách.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, triển khai Chương trình kích cầu du lịch trong năm 2025, Bộ VHTTDL đề nghị các điểm du lịch, di tích miễn, giảm phí tham quan cho khách du lịch theo quy định pháp luật. Chương trình kích cầu cũng đặt ra yêu cầu với các đơn vị vận tải xây dựng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam bao gồm gói giá ưu đãi, giảm giá vé tàu, máy bay hoặc các chương trình khuyến mãi riêng cho các đoàn khách tham gia Chương trình kích cầu.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm, cũng như việc phải cân đối khai thác đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách, ngành hàng không vẫn đặt trọng tâm ưu tiên đón khách du lịch. Đặc biệt, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, với tinh thần đồng hành cùng ngành du lịch, đơn vị đã kịp thời thông tin tới các hãng hàng không về chính sách miễn thị thực; đồng thời đề nghị các hãng lên kế hoạch mở thêm các đường bay thẳng, tăng tần suất bay kết nối các trung tâm du lịch của Việt Nam với các quốc gia mới được miễn thị thực.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành cho biết, rào cản lớn đối với ngành du lịch khi thu hút khách quốc tế hiện nay là vấn đề vận tải. Đơn cử như tình trạng giá vé bay cao; thiếu đường bay đến các điểm du lịch, trong khi hạ tầng giao thông tại nhiều điểm đến chưa thực sự thuận tiện… Do đó, nếu thực hiện tốt vấn đề này, khách quốc tế sẽ không còn ngần ngại khi lựa chọn Việt Nam. Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, ngoài sự phối hợp giữa hàng không và du lịch, cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, tích cực hơn của chính quyền địa phương. “Là điểm đến cuối cùng của du khách và thụ hưởng lợi ích trực tiếp từ việc đón khách, các địa phương cần trách nhiệm hơn trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, phối hợp với doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách kích cầu” - đơn vị cho biết thêm.
Từ góc độ địa phương, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, với mong muốn tăng cường sự phối hợp giữa các bên để phát triển du lịch, mới đây, tỉnh đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp du lịch để trao đổi về vấn đề kích cầu; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp phát huy vai trò hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững. Trong đó, trước mắt, địa phương sẽ tổ chức các hội chợ du lịch, ra mắt sản phẩm du lịch mới. “Các nhiệm vụ này sẽ không thể hoàn thành, nếu thiếu sự tham gia của doanh nghiệp” - ông Sum cho biết.
Nhấn mạnh cách chính sách kích cầu ngày càng thông thoáng, cởi mở và hấp dẫn với du khách, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng lúc này là các địa phương và doanh nghiệp phải cùng vào cuộc, đặc biệt là duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa các bên để triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các chính sách này, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành du lịch đã đặt ra./.