Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa tại các chợ đầu mối, điểm kinh doanh dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

(BKTO) -Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát thị trường, ngăn hàng lậu tại các chợ đầu mối, các điểm kinh doanh gần đường sắt, đường bộ và khu dân cư đông đúc.

Cụ thể, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lực lượng QLTT sẽ tổng kiểm tra hàng hóa tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tổng cục QLTT cũng cho biết, mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực ngăn chặn hàng lậu nhưng quá trình kiểm soát gặp nhiều khó khăn bởi một số quy định pháp luật chưa theo kịp diễn biến thị trường.

banh-trung-thu-d13.1.jpg
Lực lượng liên ngành 389 TP. Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm trên địa bàn thành phố. Ảnh: ST

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cũng cho thấy, trong tháng 10/2024, lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 2.572 vụ, xử lý 2.295 vụ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 294,3 tỷ đồng.

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường cất giấu hàng lậu, hàng giả lẫn trong hàng hóa thông thường hoặc đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.

Các đối tượng buôn lậu thường tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, khu chung cư cao cấp.

Hiện địa bàn Hà Nội có đến 500 doanh nghiệp vận chuyển bưu chính, nhưng không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa, đồng thời thanh toán qua trung gian... nên việc xác minh thông tin đối tượng buôn bán hàng lậu không dễ, ông Hùng thông tin.

Thông tin từ Cục Hải quan TP. Hà Nội, mặc dù các vụ việc có dấu hiệu hình sự trong tháng 10/2024 giảm so với cùng kỳ năm 2023 nhưng nổi lên hiện tượng sử dụng pháp nhân công ty đã đăng ký kinh doanh để cố ý gian lận. Điển hình là giả mạo thông tin người đại diện theo pháp luật, công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, sử dụng trái pháp luật chữ ký số, tài khoản ngân hàng... làm thủ tục nhập khẩu trái pháp luật đối với hóa chất là mặt hàng kinh doanh hạn chế theo quy định của pháp luật.

Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa.

Chính vì thế, việc ra quân kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các chợ đầu mối, các điểm kinh doanh gần đường sắt, đường bộ và khu dân cư đông đúc sẽ giúp ngăn chặn hàng lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường, nhất là trong cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ./.

Cùng chuyên mục
Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa tại các chợ đầu mối, điểm kinh doanh dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ