Tháo gỡ “nút thắt” trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo

(BKTO) - Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Đề xuất này được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với kỳ vọng sẽ tạo chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua.

Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Nhà giáo.

202411200809567735_z6050106288769_e90570854696066e359a1ecbdd002f40.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành Phiên thảo luận. Ảnh: VPQH

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay, ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo. Đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục, cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, quy định này sẽ tạo sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo, vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua. Đồng thời, có cơ chế để thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, "giữ chân" nhà giáo giỏi trong nghề, từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về chất lượng.

Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục cho thấy, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

dbthuc.jpeg
Đại biểu Trần Văn Thức phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu chỉ ra, việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo.

Cùng với đó, việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là Phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng, nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn… Do đó, đại biểu đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo.

“Đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn, nhất là ngày càng trầm trọng, về tình trạng thừa, thiếu giáo viên từ nhiều năm nay tại các địa phương” - đại biểu Thức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, đây là chính sách mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục giữa các vùng, nhất là đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc quy định điều động nhà giáo không chỉ kịp thời giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường mà còn hạn chế việc lựa chọn trường của một số nhà giáo.

Đại biểu nhấn mạnh, việc điều động cần đảm bảo tính dân chủ, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo; bảo đảm công khai, minh bạch và sự đồng thuận. Do đó, cần quy định cụ thể về thẩm quyền, nguyên tắc và điều kiện trong việc điều động nhà giáo. Đồng thời, có quy định cụ thể đối với chính sách hỗ trợ nhà giáo được điều động đến vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Đảm bảo chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến quy định về chế đô, chính sách đối với nhà giáo.

202411200859057482_z6050266156733_d7cbeaaa51c7879ef5219277f780a513.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) tán thành cao quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.​

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) cho biết, theo kết quả một nghiên cứu thực tế về đời sống nhà giáo vùng Nam bộ cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng đối với nhóm không có nghề tay trái, còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%.

Do vậy, đại biểu thống nhất với quy định về việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Góp ý về chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

202411201023226815_z6050616518402_c65dfc70baa242ada574980e93354c27.jpg

Cần xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo, đồng thời, tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp 2 lần lương cơ bản đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu, tức là từ 3-5 năm đầu.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình 

Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.

Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả./.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ “nút thắt” trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo