Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN
Phát biểu trước nghị trường Kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) nhìn nhận: Chuyển giá đã và đang diễn ra ở Việt Nam nhiều năm nay, gây tổn hại không nhỏ cho nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ngăn chặn chuyển giá vẫn là một vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý.
Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ. Trong đó, nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Tại TP. HCM, gần 60% trong tổng số 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Lâm Đồng có 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục; tỉnh Bình Dương cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 đến năm 2011. Đáng chú ý, tuy báo lỗ nhưng các DN vẫn liên tục mở rộng quy mô sản xuất.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Quản lý thuế, trong năm 2015 và 2016, cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra được 965 DN có hoạt động giao dịch liên kết, đã thực hiện truy thu, truy hoàn và phạt 6.295 tỷ đồng, giảm lỗ được 7.491 tỷ đồng, giảm khấu trừ được 286,11 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 4.743 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả trên chỉ phản ánh một góc của “bức tranh” về tình trạng trốn thuế của DN. Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng trên là do hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ và còn nhiều lỗ hổng…
Để quản lý hoạt động chuyển giá, tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Theo đó, Dự thảo Luật đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP như: Nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; Áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết; Nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; Quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này chưa thể hiện được sự kiên quyết, chưa đủ mạnh để ngăn chặn hành vi chuyển giá. “Các cơ sở pháp lý hiện hành và các điều khoản quy định tại Dự thảo Luật chưa đủ cơ sở để ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, trốn thuế...” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lo ngại. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thẳng thắn: “Lần sửa đổi Luật này kỳ vọng sẽ nhận diện rõ và bổ sung các giải pháp hiệu quả hơn để chống chuyển giá, nhưng tôi còn băn khoăn về tính khả thi của một số giải pháp...”.
Cần quy định chặt chẽ,minh bạch
Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị cần xây dựng quy định về quản lý thuế đối với DN có hoạt động giao dịch liên kết trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với cơ sở pháp lý rõ ràng, chắc chắn nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra trong việc quản lý chống chuyển giá, tránh thuế.
Nhìn nhận chuyển giá là hiện tượng khó tránh khỏi trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập và các hoạt động giao dịch, đầu tư ra nước ngoài ngày càng phát triển, bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, vấn đề đặt ra là làm sao để cơ quan quản lý thuế xác định giá trong các giao dịch liên kết này là đúng với giá thị trường, xác định được phần lợi nhuận nào thuộc về công ty ở Việt Nam để xác định quyền đánh thuế. “Cần có những quy định rõ ràng đối với DN cũng như về phía cơ quan quản lý thuế, để DN có thể kê khai và cơ quan thuế có thể xác định các giao dịch này một cách rõ ràng, minh bạch” - bà Chi nói.
Với quan điểm đó, bà Chi đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung và mở rộng khái niệm về “cơ sở thường trú” để giữ quyền đánh thuế cho Việt Nam, phù hợp với bối cảnh kinh tế số, công nghệ 4.0 và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu này cũng đề nghị bổ sung, làm rõ một số nguyên tắc về quản lý thuế. Cụ thể, cần làm rõ nội hàm của nguyên tắc “Bản chất quyết định hình thức” trong Dự thảo Luật theo hướng việc xử lý nghĩa vụ thuế phải căn cứ trên bản chất trong trường hợp giữa bản chất của giao dịch và hình thức của hợp đồng không nhất quán với nhau. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng để cơ quan thuế có thêm công cụ pháp lý mạnh xử lý các trường hợp tránh thuế, trốn thuế. Bên cạnh đó, cần cân nhắc bổ sung nguyên tắc: nộp thuế phải tương ứng với giá trị tạo ra tại Việt Nam.
Theo đó, phải quy định rõ là đối với những lợi nhuận hay giá trị tạo ra ở Việt Nam thì quyền đánh thuế là của Việt Nam, để tránh trường hợp chuyển nhượng lợi nhuận ra nước ngoài và Việt Nam phải giữ được quyền đánh thuế phù hợp với giá trị đó.
Đồng quan điểm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị, quy định về nguyên tắc “Bản chất quyết định hình thức” trong Dự thảo Luật cần được diễn đạt lại theo hướng căn cứ vào thực chất giao dịch để quyết định các hình thức giao dịch, để tránh trốn thuế, chuyển giá. Phải phân tích thông tin để xác định được bản chất của giao dịch khi đưa ra quyết định, còn nếu chỉ căn cứ vào hình thức giao dịch thì sẽ thất thu NSNN.
Đặc biệt, từ những dẫn chứng phát hiện về chuyển giá, trốn thuế qua hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Dự thảo Luật Quản lý thuế lần này cần có các quy định về dữ liệu giá để chống chuyển giá. Khi cơ quan thuế hay cơ quan thanh tra, kiểm toán kiểm tra thì dữ liệu giá là một trong những căn cứ để xác định DN có chuyển giá hay không. Đồng thời, phải có dữ liệu để kiểm soát được cơ quan thuế có làm đúng, thu đúng hay không và các cơ quan thanh tra, kiểm toán phải tiếp cận được dữ liệu thuế, đặc biệt là phần mềm về quản lý rủi ro của cơ quan thuế.
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018