Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

(BKTO) - Nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành ngân hàng năm 2022 vẫn là điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế



                
   

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2022, ngân hàng phải là một trong những ngành tiên phong về chuyển đổi số. Ảnh: sbv.gov.vn

   

Chiều 29/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tín dụng tăng, lãi suất thấp nhưng hoạt động ngân hàng vẫn tiềm ẩn rủi ro

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2021, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo thị trường tiền tệ, sẵn sàng nguồn vốn phục hồi nền kinh tế.

NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác trong điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa dịch vụ để góp phần kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, lạm phát năm 2021 được kiểm soát dưới mục tiêu 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, bình quân khoảng 2%, mức thấp nhất từ năm 2016.
                
   

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022- Ảnh: sbv.gov.vn

   

Tổng dư nợ nền kinh tế tăng 12,97% so với cuối năm 2020, 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế.

Trong năm 2021, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngân hàng được chú trọng…
                
   

Phó Thống đốc Đào Minh Tú điểm lại các kết quả nổi bật của ngành ngân hàng năm 2021- Ảnh: sbv.gov.vn

   

Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành ngân hàng đã đạt được thời gian qua song Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, quy mô, mức độ an toàn vốn, năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các TCTD trong nước còn hạn chế so với các nước trong khu vực và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển phát triển kinh tế - xã hội.

Luồng vốn tín dụng còn hiện tượng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như: bất động sản, chứng khoán...

Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hiệu quả chưa cao. Tình trạng vi phạm quy định về huy động vốn và cho vay vẫn còn, gây nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng còn chưa đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Chủ động, linh hoạt điều hành các công cụ chính sách

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành ngân hàng là điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% mà Quốc hội đã thông qua.
                
   

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: sbv.gov.vn

   

Ngành ngân hàng cũng cần nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô, cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro của nền kinh tế cũng như các TCTD; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng. Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn.

Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... trong đó kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu DN của các TCTD, giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt.

Ngành ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt…

Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị toàn ngành quán triệt chủ trương, định hướng, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế.

Thống đốc quán triệt phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.

Triển khai có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, xử lý có hiệu quả ngân hàng yếu kém. Thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích thương mại cho DN, người dân.

Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 28/12, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số năm 2022 sẽ tập trung nhiều cả về con người, bộ máy, nguồn nhân lực, ứng dụng tất cả các công nghệ, cung ứng sản phẩm dịch vụ trung gian thanh toán.

Cũng theo Phó Thống đốc, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng năm 2022 là 14%. NHNN đã phê duyệt chương trình giám sát năm 2022, trong đó đi sâu giám sát một số lĩnh vực có dấu hiệu không an toàn; đồng thời sẽ có chính sách để kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tiền./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế