Mục tiêu kiểm soát lạm phát đang gặp nhiều thách thức. Ảnh tư liệu
Kiên định mục tiêukiểm soát lạm phát
Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020, Chính phủ yêu cầu các Bộ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, xây dựng phương án và đối sách ứng phó với mọi tình huống, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới, không để bị động, bất ngờ; theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả, thị trường, bảo đảm giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Mới đây, chủ trì cuộc họp về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết kiểm soát CPI (chỉ số giá tiêu dùng) theo mục tiêu đề ra.
Sự kiên định này dựa trên nền tảng vĩ mô được củng cố vững chắc trong những năm qua. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp. TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) - nhận định, mặc dù tại một vài thời điểm, tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ năm trước đạt tới mức trên/dưới 5% nhưng tính trung bình, lạm phát của giai đoạn 2016-2019 chỉ vào khoảng hơn 3%/năm. Còn báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - một trong những cơ quan làm nhiệm vụ quản lý và điều hành vĩ mô - cũng đã khẳng định: “Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, NHNN hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”.
Thực tế, cùng với kinh nghiệm điều hành vĩ mô những năm qua, Chính phủ đã và đang có những động thái quyết liệt để kiểm soát lạm phát. Tại cuộc họp về ổn định giá thịt lợn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan đưa giá thịt lợn xuống dưới 60.000 đồng/kg thịt hơi trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp để bình ổn giá. Chính phủ cũng thận trọng trong điều hành giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, mức độ giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN được các chuyên gia nhận định là khá tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như lạm phát. NHNN cũng khẳng định, việc cắt giảm này là nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, từ giữa tháng 3, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Động thái này, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có thể sẽ tác động tích cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay.
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về mặt tổng thể, những yếu tố tác động tích cực tới lạm phát không nhiều như trước đây. Trong khi đó, nhiều yếu tố cho thấy, áp lực kiểm soát lạm phát không hề nhỏ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 02 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 lần lượt tăng 5,4% và 5,91% so với cùng kỳ năm trước, đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 02 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tùy thuộc thời điểm dịch Covid-19 kết thúc, lạm phát năm nay sẽ tăng 3,96% hoặc 4,86% so với năm ngoái. Tuy nhiên, các kịch bản này được đưa ra vào thời điểm Covid-19 mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc, còn hiện tại, dịch bệnh đã lan ra toàn cầu, đặc biệt, diễn biến dịch bệnh ở nước ta đang có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới lạm phát là tỷ giá. Do diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá. Điều này đã tác động tới tâm lý thị trường trong nước. Đó là lý do khiến tỷ giá giữa VND so với USD tăng trong những ngày qua.
Trước sự gia tăng của tỷ giá, đại diện NHNN đã lên tiếng khẳng định, đến nay, cân đối cung cầu ngoại tệ về cơ bản không có biến động lớn, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư, trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ. Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, NHNN đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, NHNN sẵn sàng can thiệp khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Niềm tin vào thị trường có thể được nhen nhóm từ cam kết của NHNN. Dù vậy, nỗi lo lạm phát sẽ còn hiện hữu nếu số lượng người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính tiền tệ quốc tế cũng như trong nước.
Mặt khác, tỷ lệ cung tiền M2/GDP của Việt Nam gia tăng liên tục từ năm 2011 và đến năm 2019 ở mức gần 160% (cao nhất khu vực ASEAN); đồng thời, dư nợ tín dụng/GDP cũng tăng dần qua các năm và đã đạt tới 134% trong năm 2019. Dẫn số liệu này, PGS,TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định: “Việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng có thể là yếu tố gây rủi ro về lạm phát”.
THÀNH ĐỨC