Kiểm toán BOT Bắc và Nam Bình Định: KTNN chỉ ra nhiều bất cập, thiếu sót của các cơ quan, đơn vị thực hiện Dự án

(BKTO) - Qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn Km1212+400 - Km1265, tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên (Dự án Nam Bình Định) và Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km1125 - Km1153 tỉnh Bình Định (Dự án Bắc Bình Định) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập, thiếu sót của các đơn vị thực hiện Dự án cũng như của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.



Giảm thời gian thu phí của Dự án Bắc Bình Định

Theo KTNN, Dự án Bắc Bình Định theo hình thức BOT đã được phê duyệt khi chưa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng với quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư của Dự án còn một số sai sót, hạn chế làm tăng tổng mức đầu tư hơn 31 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đến thời điểm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Dự án, Bộ GTVT đã không công bố lại danh mục dự án khi điều chỉnh phạm vi dự án, điều này là chưa tuân thủ quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hơn nữa, thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư cũng không được đăng trên Báo Đấu thầu theo quy định.

KTNN cũng chỉ rõ, công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của Dự án còn một số bất cập trong thiết kế kết cấu áo đường, thiết kế cọc ống dẫn hướng. Đáng chú ý, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán còn sai sót, làm tăng giá trị các gói thầu 31,66 tỷ đồng.

Liên quan đến việc chấp hành chế độ quản lý tài chính, kế toán, KTNN nêu rõ, công tác thu hồi tạm ứng chưa tuân thủ quy định hợp đồng, chưa thu hồi hết tạm ứng khi thanh toán đến 80% giá trị hợp đồng với giá trị 10,33 tỷ đồng làm phát sinh khoản chi phí lãi vay 468 triệu đồng. Đến thời điểm 31/12/2016, tổng giá trị công nợ còn nợ nhà thầu 78,81 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, nhà đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục để gia hạn hợp đồng, rút vốn giải ngân cho các đơn vị thi công (theo quy định của Hợp đồng tín dụng, ngày hết hạn rút vốn là 30/6/2016).

Về các nội dung liên quan đến phương án tài chính, Đề án thu phí, KTNN cho rằng, việc tổ chức khảo sát lưu lượng xe chỉ trong 2 ngày trên một đoạn tuyến là chưa đảm bảo số mẫu để xác định lưu lượng phương tiện trung bình trong năm. Cùng với đó, tổng vốn đầu tư trong phương án hoàn vốn còn chưa tính đến phương án hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) của các chi phí hình thành công trình, hệ thống công nghệ thu phí, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe…

Đoàn kiểm toán cùng với nhà đầu tư đã thực hiện rà soát các chỉ tiêu đầu vào để tính toán lại thời gian thu phí tạm tính là 15 năm 7 tháng, giảm so với thời gian hoàn vốn tại Hợp đồng BOT là 4 năm 7 tháng. Nếu giữ nguyên thời gian thu phí là 20 năm 2 tháng, đồng thời trên cơ sở giữ nguyên các thông số, trừ việc thay đổi giá vé và các chi phí theo doanh thu thì mức thu phí sẽ giảm 9% so với mức thu phí hiện nay.

Dự án Nam Bình Định đội vốn đầu tư hơn 82 tỷ đồng

Theo KTNN, Dự án Nam Bình Định cũng đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư cũng có sai sót làm tăng tổng mức đầu tư 82,25 tỷ đồng.

KTNN cũng chỉ rõ, Hồ sơ yêu cầu về nguồn vốn đối với nhà đầu tư không đảm bảo nguồn vốn thực hiện Dự án, không thực hiện việc xác định và thương thảo về tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư theo quy định tại Thông tư số 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Một thiếu sót nữa là Bộ GTVT đã chấp thuận cho nhà đầu tư khởi công Dự án khi chưa đảm bảo điều kiện khởi công theo quy định, chưa phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở kịp thời.

         
Điểm đáng ghi nhận là qua giá trị được kiểm toán 1.423,83 tỷ đồng (Dự án Bắc Bình Định) và 1.387,15 tỷ đồng (Dự án Nam Bình Định), KTNN xác nhận số chênh lệch với nguồn vốn đầu tư đến 31/12/2016 là 0 đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán chi phí đầu tư thực hiện Dự án Bắc Bình Định (giá trị được kiểm toán 898,98 tỷ đồng) được KTNN xác định giảm gần 30,3 tỷ đồng do sai khối lượng gần 3,06 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 24,65 tỷ đồng và sai khác 2,58 tỷ đồng. Tương tự, chi phí đầu tư thực hiện Dự án Nam Bình Định (giá trị được kiểm toán 1.042,51 tỷ đồng) cũng phải giảm 71,72 tỷ đồng do sai khối lượng hơn 9,18 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 59,92 tỷ đồng và sai khác 2,61 tỷ đồng.
Điểm đáng ghi nhận là qua giá trị được kiểm toán 1.423,83 tỷ đồng (Dự án Bắc Bình Định) và 1.387,15 tỷ đồng (Dự án Nam Bình Định), KTNN xác nhận số chênh lệch với nguồn vốn đầu tư đến 31/12/2016 là 0 đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán chi phí đầu tư thực hiện Dự án Bắc Bình Định (giá trị được kiểm toán 898,98 tỷ đồng) được KTNN xác định giảm gần 30,3 tỷ đồng do sai khối lượng gần 3,06 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 24,65 tỷ đồng và sai khác 2,58 tỷ đồng. Tương tự, chi phí đầu tư thực hiện Dự án Nam Bình Định (giá trị được kiểm toán 1.042,51 tỷ đồng) cũng phải giảm 71,72 tỷ đồng do sai khối lượng hơn 9,18 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 59,92 tỷ đồng và sai khác 2,61 tỷ đồng.

Đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, KTNN đã nêu ra một số bất cập, như: không khảo sát địa chất bổ sung những vị trí mố, trụ mới của cầu Gành theo quy định tại Điều 10.4.1, Tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN272-05; công tác khảo sát mỏ vật liệu còn hạn chế; công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán còn sai sót làm tăng giá trị dự toán các gói thầu được kiểm toán với tổng giá trị 10,1 tỷ đồng.

Trong chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án, KTNN phát hiện chủ đầu tư chưa thu hồi hết số tiền đã tạm ứng hợp đồng cho các nhà thầu theo quy định của hợp đồng (Gói thầu số 2 là 16,91 tỷ đồng; Gói thầu số 3 là 28,48 tỷ đồng); thanh toán vượt giá trị hợp đồng cho Công ty CP Đại Tín (thi công Gói thầu số 3) là 5,46 tỷ đồng. Các thiếu sót này làm phát sinh thêm số lãi vay trong thời gian xây dựng với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Liên quan đến phương án tài chính, Đề án thu phí, KTNN cũng cho rằng, việc chỉ tổ chức khảo sát lưu lượng xe trong 2 ngày trên một đoạn tuyến là chưa đảm bảo số mẫu để xác định lưu lượng phương tiện trung bình trong năm. Tổng vốn đầu tư trong phương án hoàn vốn còn chưa tính đến phương án hoàn thuế Giá trị gia tăng của các chi phí hình thành công trình.

Một số kiến nghị qua kiểm toán

Qua kiểm toán 2 dự án BOT này, KTNN kiến nghị Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định phải điều chỉnh sổ sách kế toán, Báo cáo tài chính (nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện) của Dự án đến 31/12/2016 phù hợp với kết luận của KTNN, đồng thời kiến nghị xử lý về tài chính lần lượt là 30,12 tỷ đồng và 71,72 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN còn kiến nghị Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam chấn chỉnh công tác thương thảo và ký phụ lục hợp đồng xây lắp, điều chỉnh hồ sơ hoàn công và các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đối với các gói thầu có sai sót; trên cơ sở giá trị dự toán các gói thầu xây lắp được duyệt, cần tính toán, xác định lại các khoản chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm; thu hồi khoản tiền tạm ứng với giá trị 10,33 tỷ đồng của Gói thầu 3 và Gói thầu 13; hoàn thiện các thủ tục để gia hạn hợp đồng tín dụng, thanh toán cho các đơn vị thi công theo quy định hợp đồng. Đồng thời, đơn vị cần tiếp tục theo dõi để có biện pháp khắc phục kịp thời (nếu có) hư hỏng mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông; khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành làm căn cứ trình Bộ GTVT xem xét, thỏa thuận quyết toán.

Đối với Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định, KTNN còn kiến nghị giảm trừ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tương ứng với số giảm thanh toán gần 6,92 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng phải chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Kiến Hoàng phải khẩn trương thu hồi số tiền dư tạm ứng của các nhà thầu Công ty CP Đại Tín và Công ty TNHH Nhật Minh thi công Gói thầu số 2 và Gói thầu số 3 là gần 45,4 tỷ đồng, giá trị thanh toán vượt hợp đồng cho Công ty CP Đại Tín thi công Gói thầu số 3 là hơn 5,46 tỷ đồng. Đơn vị cũng cần thường xuyên theo dõi các đoạn đường trước đây bị bong, tróc, nếu tiếp tục xuất hiện tình trạng hư hỏng thì phải có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo chất lượng dịch vụ của công trình BOT.

KTNN cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 (QLDA), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN. Bộ GTVT cũng cần rút kinh nghiệm trong việc: phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư còn sai sót; không xác định và thương thảo về tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư; ký hợp đồng BOT khi nhà đầu tư chưa chứng minh đảm bảo nguồn vốn thực hiện Dự án; chấp thuận cho nhà đầu tư được khởi công Dự án khi chưa đảm bảo điều kiện được khởi công theo quy định; chưa phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở kịp thời theo quy định của Hợp đồng.

Hơn nữa, KTNN còn kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương xác định tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư theo quy định của Bộ Tài chính để thương thảo, ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư; khẩn trương phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành làm cơ sở xác định các chỉ tiêu trong phương án tài chính (có tính đến việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT) để thương thảo ký phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư. Trên cơ sở tính toán, rà soát về thời gian thu phí hoàn vốn và mức giá thu phí mà KTNN đã nêu, Bộ GTVT và nhà đầu tư lựa chọn phương án phù hợp để xây dựng lại phương án tài chính và ký phụ lục hợp đồng BOT đảm bảo theo đúng quy định.

Cùng với việc nghiên cứu và ban hành hướng dẫn cụ thể về công tác khảo sát, xác định lưu lượng phương tiện, Bộ GTVT cần chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các nhà đầu tư sớm kết nối công tác giám sát thu phí với Trung tâm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác giám sát của cơ quan nhà nước.

NGUYỄN NAM
Cùng chuyên mục
Kiểm toán BOT Bắc và Nam Bình Định: KTNN chỉ ra nhiều bất cập, thiếu sót của các cơ quan, đơn vị thực hiện Dự án