Bố trí vốn chỉ đạt 60% nhu cầu…
Qua kiểm toán đánh giá việc lập, thẩm định, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các dự án thuộc Chương trình tại tỉnh Quảng Nam, kết quả cho thấy, việc bố trí vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020 cho các dự án không đáp ứng đủ nhu cầu. Mặc dù kế hoạch bố trí vốn được phê duyệt là 1.335,654 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) là 978,53 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 357,124 tỷ đồng), nhưng thực tế tổng số vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án là 810,234 tỷ đồng, chỉ đạt 60% nhu cầu của các dự án.
Kết thúc Chương trình, số vốn đầu tư công chưa bố trí để hoàn thành các dự án theo kế hoạch còn khoảng 536,356 tỷ đồng, dẫn đến một số dự án đã được phê duyệt nhưng thực hiện chậm tiến độ phải phân kỳ đầu tư, dừng thực hiện. Cụ thể, 3 dự án phải kéo dài tiến độ chuyển sang giai đoạn sau, 3 dự án phải tạm dừng và chuyển đổi hình thức đầu tư do UBND tỉnh chưa chủ động bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn NSĐP theo cam kết và chưa bố trí phần vốn NSTƯ theo quy định của Chương trình.
Dẫn chứng cho việc bố trí kế hoạch vốn cho các dự án chậm, chưa sát với tình hình thực tế, chưa đáp ứng tiến độ thực hiện dự án đã được duyệt là đến năm 2021 hoàn thành dự án, KTNN nêu rõ, theo Quyết định số 244/QĐ-KTM ngày 27/10/2017 của Ban Kinh tế mở Chu Lai về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường trục chính vào Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng, Dự án có tiến độ thực hiện từ năm 2017-2021 nhưng đến năm 2019 mới được bố trí vốn. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong danh mục Dự án Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 207 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, tổng vốn NSTƯ bố trí cho dự án là 120,864 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch vốn trung hạn được duyệt giai đoạn 2016-2020. Tính đến ngày 31/3/2022 tổng vốn bố trí cho dự án là 156,864 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch đầu tư công trung hạn được duyệt, bằng 68% tổng mức đầu tư được duyệt (tổng 230 tỷ đồng).
Cũng vì nguyên nhân này, trong tổng số 14 dự án đầu tư của Chương trình tại tỉnh Quảng Nam, còn 3 dự án chưa hoàn thành toàn bộ các hạng mục đầu tư phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; 3 dự án phải tạm dừng và chuyển đổi hình thức đầu tư (đến thời điểm có quyết định dừng thực hiện dự án, mức độ hoàn thành mới đạt từ 40 đến dưới 80% so với năng lực thiết kế được duyệt, gồm: Dự án cơ sở hạ tầng khu tái định cư, nhà ở công nhân Tam Hiệp đạt 60%; Dự án nạo vét luồng vào Cảng Kỳ Hà - giai đoạn 1 đạt 75%; Dự án Đường trục chính - Tái định cư Khu công nghiệp Tam Quang đạt 40%). Đồng thời kéo theo kết quả thực hiện một số mục tiêu cụ thể của Chương trình tại tỉnh Quảng Nam chưa đạt như kế hoạch, trong đó có 2 mục tiêu chưa hoàn thành gồm: Khu kinh tế ven biển - Đường giao thông chính trong khu với mức độ hoàn thành 76,93%; Công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội và tái định cư với mức độ hoàn thành 80%.
KTNN chỉ rõ, trong các nguyên nhân dẫn đến việc nhiều mục tiêu cụ thể của Chương trình tại tỉnh Quảng Nam không thực hiện được hoặc chưa hoàn thành đầy đủ, thứ nhất là do công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, quản lý thực hiện Chương trình, các dự án đầu tư thuộc Chương trình của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, các đơn vị cấp dưới và các đơn vị liên quan khác còn một số hạn chế, tồn tại. Thứ hai, do việc bố trí vốn NSTƯ không đầy đủ, kịp thời. Thứ ba, do việc xác định mục tiêu cao, đưa vào Chương trình danh mục dự án đầu tư với nhu cầu vốn lớn hơn khả năng cân đối của ngân sách. Những tồn tại, hạn chế này thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Quảng Nam và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
…Nhưng nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 74 tỷ đồng
Đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án của Chương trình, KTNN nêu, một số nội dung thông tin tại Báo cáo đánh giá giám sát đầu tư còn nêu chung chung, chưa cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Báo cáo đã nêu một số tồn tại trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh như chậm báo cáo giải ngân; chậm triển khai nhiệm vụ, chậm phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng... Tuy nhiên, Báo cáo chưa thống kê đầy đủ chi tiết các đơn vị còn tồn tại để phục vụ công tác quản lý, giám sát đầu tư, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và chủ đầu tư các dự án thuộc Chương trình.
Liên quan đến công tác theo dõi và quản lý nợ xây dựng cơ bản đối với các dự án thuộc Chương trình, báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho thấy, đến hết năm 2020, có 6/14 dự án thuộc Chương trình còn tồn tại nợ khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành là 74,099 tỷ đồng, trong đó NSĐP của tỉnh là 70,323 tỷ đồng; NSTƯ là 3,776 tỷ đồng.
Trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán cũng có một số tồn tại, hạn chế về khối lượng, định mức và sai khác với tổng giá trị gần 1,099 tỷ đồng. Trong đó, sai khối lượng hơn 613 triệu đồng, sai định mức 211 triệu đồng; sai khác 274 triệu đồng. Tồn tại này thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam và đơn vị tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Đánh giá về công tác nghiệm thu, thanh toán, KTNN cũng phát hiện gói thầu thi công xây dựng còn một số tồn tại, hạn chế về khối lượng, đơn giá thanh toán của một số hạng mục với giá trị 475 triệu đồng; giảm trừ giá trị hợp đồng còn lại số tiền 281 triệu đồng và xử lý khác 271 triệu đồng.
Từ những bất cập trên, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho các dự án thuộc Chương trình theo đúng cam kết để hoàn thành các dự án còn dở dang, hoàn thành mục tiêu cụ thể của Chương trình; cũng như bố trí đầy đủ, kịp thời vốn NSĐP theo cơ cấu nguồn vốn tại các quyết định phê duyệt dự án. Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị có liên quan, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý, phối hợp thực hiện Chương trình, dự án, nhất là với nội dung xác định mục tiêu cao, đưa vào Chương trình danh mục dự án đầu tư với nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 lớn hơn khả năng cân đối của NSTƯ và NSĐP; việc thông báo điều chỉnh kế hoạch đầu tư công còn chậm…
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, KTNN kiến nghị phải xử lý tài chính hơn 757 triệu đồng và xử lý khác 271 triệu đồng. Đồng thời, kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với công tác quản lý tiến độ dự án; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với việc lập, thẩm định dự toán; nghiệm thu, thanh toán./.