Tuyển dụng kiểm toán nội bộ: Bắt kịp xu hướng và thay đổi tư duy

(BKTO) - Trong nhiều năm, kiểm toán nội bộ (KTNB) luôn cạnh tranh với các bộ phận khác để tuyển dụng các kế toán, kiểm toán viên có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, bối cảnh công nghệ phát triển và rủi ro ngày càng cao đã thúc đẩy KTNB mở rộng nhu cầu tuyển dụng, hướng đến đối tượng là sinh viên mới tốt nghiệp đại học với nền tảng công nghệ và sự tự tin khi giải quyết những vấn đề mới.

9-ktnb.jpg
Các kỹ năng quyết định việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp vào làm kiểm toán viên nội bộ. Nguồn: Deloitte

Công nghệ và quản trị khiến xu hướng tuyển dụng thay đổi

Theo báo cáo “Nuôi dưỡng nguồn nhân lực KTNB: Quan điểm từ các nhà giáo dục và người hành nghề” do IIA và Deloitte thực hiện, nhu cầu ngày càng tăng về kỹ năng mới trong các lĩnh vực phân tích dữ liệu, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo đòi hỏi các nhóm KTNB phải mở rộng phạm vi tuyển dụng để vừa đảm bảo nguồn nhân lực, vừa có thêm cơ hội đưa nghề nghiệp tiến xa hơn trong tương lai.

Theo đó, bên cạnh xu hướng tìm kiếm những sinh viên mới tốt nghiệp đại học ngành kế toán (80%), kiểm toán (53%) và kinh doanh (44%), các nhà tuyển dụng đang tập trung vào các ngành như khoa học máy tính hoặc công nghệ thông tin (43%). Kết quả từ cuộc khảo sát cũng cho thấy, ngoài kinh nghiệm và trình độ học vấn, các kỹ năng thiết yếu mà nhóm tuyển dụng tìm kiếm là: Giao tiếp kinh doanh (78%), phân tích dữ liệu (53%) và đạo đức hoặc quản trị tổ chức (46%). Hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ đã tuyển dụng ít nhất một sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào vị trí nhân viên trong vòng 5 năm qua, điều này cho thấy ngày càng có nhiều bộ phận KTNB tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.

Ngược lại, vẫn còn 42% số người được hỏi cho biết chức năng KTNB của họ không tuyển dụng bất kỳ sinh viên mới tốt nghiệp đại học nào, hơn một nửa cho biết họ thích tuyển dụng những kiểm toán viên nội bộ có kinh nghiệm, tức là nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm thực tế. Báo cáo cũng tiết lộ rằng, các nhà quản lý tuyển dụng có thể đang giới hạn bản thân trong nhóm nhân tài KTNB thuộc các ngành kế toán và kinh doanh, mặc dù nhu cầu của nghề này đang thay đổi, đòi hỏi phải chú trọng hơn vào công nghệ thông tin và công nghệ dữ liệu.

Ông Anthony Pugliese - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành IIA - nhấn mạnh, trong thị trường việc làm cạnh tranh ngày nay, chúng ta thấy một số kỹ năng mềm liên quan đến lãnh đạo và giao tiếp đang được các nhà tuyển dụng ưu tiên. KTNB đang cạnh tranh với ngành công nghệ để giành được những sinh viên tốt nghiệp có nền tảng về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và phân tích dữ liệu. KTNB cần phải hợp tác chặt chẽ với các nhà giáo dục để đảm bảo nguồn nhân tài mới có các kỹ năng cần thiết để ứng phó kịp thời với môi trường đầy rủi ro.

Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các ngành nghề gia tăng làm tăng thêm những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Nghiên cứu của Deloitte về phát triển trong thị trường lao động tương lai nhấn mạnh, các nhà tuyển dụng phải nhận ra rằng nhiều cá nhân đã thay đổi thái độ của họ về công việc, một số người không còn coi công việc là mục tiêu lớn nhất của bản thân và đóng góp cho xã hội. Do đó, KTNB sẽ cần phải đưa ra những cách sáng tạo để thu hút nhân tài.

Tăng cường liên kết nhà tuyển dụng với cơ sở đào tạo

Thực tế, ứng dụng tự động hóa vào các nhiệm vụ truyền thống nhờ những tiến bộ công nghệ sẽ đẩy một số lao động ra khỏi nghề hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay cả khi các công nghệ mới thay đổi công việc của KTNB thì vai trò của KTNB vẫn sẽ phát triển và vượt ra ngoài việc cung cấp sự đảm bảo đơn thuần. Để tương lai này thành hiện thực, việc tạo ra môi trường đào tạo phù hợp cho các kiểm toán viên nội bộ là rất quan trọng.

Nghiên cứu của Deloitte nhấn mạnh rằng, phát triển và triển khai các phương pháp đào tạo mới, kết hợp giáo dục với kinh nghiệm thực tế sẽ giúp sinh viên có vị trí tốt hơn cho sự nghiệp của mình trong nghề KTNB. Nhiều nhà tuyển dụng đã báo cáo về trải nghiệm tích cực khi tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp đại học và nhấn mạnh đến sự háo hức, ý thức học hỏi mạnh mẽ của những người trẻ. Ngược lại, một số thách thức được nêu ra liên quan đến các vấn đề như: Cách tiếp cận công việc, đạo đức nghề nghiệp, thiếu hụt các kỹ năng quan trọng, kỳ vọng quá cao vào mức lương và sự thăng tiến.

Tuy nhiên, những thách thức này có thể giải quyết được thông qua giáo dục, đào tạo, môi trường làm việc hòa nhập và mở rộng cấu trúc hoạt động truyền thống. Nghiên cứu Xu hướng vốn con người toàn cầu năm 2024 của Deloitte chỉ ra rằng, khi thay đổi về tư duy, các tổ chức và chức năng KTNB có thể thiết lập lộ trình và có thêm nhiều cơ hội để thu hút những nhân tài hàng đầu.

Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) đang bắt đầu ảnh hưởng đến phương pháp luận của lực lượng lao động, từ đó góp phần thay đổi các yêu cầu về nhân tài trên thị trường. Như vậy, không chỉ cần nâng cao kỹ năng chuyên môn, kết hợp với hiểu biết về kỹ thuật số và thành thạo trong việc xử lý dữ liệu lớn, các sinh viên còn cần kỹ năng để ứng phó với các xu hướng bên ngoài tác động đến nghề KTNB. Sinh viên thường ít được tiếp xúc với nghề nghiệp thực tế; do đó, các nhà giáo dục cần tạo cơ hội để sinh viên thường xuyên tiếp xúc với các chuyên gia KTNB, khuyến khích sinh viên thực tập, tham gia các hội nghị KTNB, thành lập câu lạc bộ KTNB của sinh viên.

Các nhà giáo dục cũng có thể coi mình là cầu nối giúp định vị sinh viên trong nhiều ngành nghề khác nhau, đồng thời là người trung gian kết nối với các nhà tuyển dụng để thúc đẩy nguồn nhân tài cho KTNB. Các nhà tuyển dụng KTNB cũng được khuyến khích mở rộng nỗ lực tuyển dụng của mình vượt ra ngoài những sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán để không chỉ đa dạng hóa nguồn nhân lực mà còn khai thác nhiều kỹ năng hơn. Trong nỗ lực này, các cơ sở đào tạo đóng vai trò quan trọng bằng cách trang bị cho sinh viên kiến thức và sự tiếp xúc cần thiết với nghề nghiệp./.

Cùng chuyên mục
  • Đảm bảo chất lượng, cơ sở pháp lý vững chắc trong báo cáo kiểm toán
    2 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Báo cáo kiểm toán (BCKT) là văn bản có giá trị pháp lý, có tác động trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước, đơn vị được kiểm toán. Với ý nghĩa đó, việc lập BCKT được lãnh đạo KTNN đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phải chú trọng nâng cao chất lượng lập báo cáo, đặc biệt là phải đảm bảo tính pháp lý, bằng chứng đối với các nội dung ghi nhận trong BCKT.
  • Kiểm toán chỉ rõ bố trí vốn chậm ảnh hưởng đến các dự án thuộc Chương trình mục tiêu tại Quảng Nam
    2 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Thực hiện kiểm toán Chương trình mục tiêu tại tỉnh Quảng Nam, Kiểm toán nhà nước (KTNN) xác định tổng kinh phí thực hiện Chương trình được giao là 810,234 tỷ đồng, kinh phí quyết toán là 735,668 tỷ đồng. Trong đó, riêng đối với 1 dự án được kiểm toán chi tiết, KTNN xác định nguồn vốn đầu tư là 147,341 tỷ đồng, nhưng chi phí đầu tư thực hiện theo số báo cáo là 148,194 tỷ đồng và số kiểm toán ghi nhận là 146,485 tỷ đồng.
  • Niềm tin vào sự khởi sắc của Kiểm toán nhà nước trên chặng đường mới
    2 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Từng theo sát hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN), ông Bùi Đặng Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021- rất ấn tượng với những cuộc kiểm toán đã tạo được “tiếng vang”. Kết quả kiểm toán với những phát hiện mang tính đột phá thời gian qua là cơ sở tạo dựng niềm tin vào sự khởi sắc của KTNN trên chặng đường mới.
  • ICAEW kêu gọi sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm
    2 tháng trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng phổ biến trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, do đó, việc phát triển các nguyên tắc đạo đức và hướng dẫn nghề nghiệp trong ứng dụng AI là rất quan trọng. Đây là một trong những chủ đề chính của một hội nghị được Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức.
  • Cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán
    2 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Ông Nguyễn Quán Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kiểm toán nhà nước) khẳng định, việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm cụ thể hóa quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.
Tuyển dụng kiểm toán nội bộ: Bắt kịp xu hướng và thay đổi tư duy