kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2014: Nhiều kiến nghị nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công

(BKTO) - Bài viết “Nhìn vào thực trạng sử dụng, quản lý nợ công” đăng trên Báo Kiểm toán (số 44, ra ngày 03/11/2016) đã đề cập đến nợ công dưới các góc nhìn của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và KTNN. Trong số này, Báo Kiểm toán tiếp tục thông tin đầy đủ hơn về những kiến nghị của KTNN sau khi kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2014.




KTNN đánh giá công tác báo cáo, công khai nợ công còn chậm so với quy định Ảnh: TS

Trong kết quả kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2014, song song với việc đánh giá những kết quả đạt được trong quản lý nợ công, KTNN cũng đồng thời chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế.

Cần tổng hợp đầy đủ số liệu nợ công

Qua kiểm toán tổng hợp các báo cáo nợ công và chọn mẫu 39/961 dự án, khoản vay nước ngoài (chiếm 12,18% tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ); 25/100 dự án vay được Chính phủ bảo lãnh (chiếm 43% tổng dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh - không bao gồm bảo lãnh phát hành trái phiếu của 2 ngân hàng chính sách) và các khoản nợ trong nước của Chính phủ, nợ chính quyền địa phương cho thấy có sự tổng hợp, báo cáo nợ công thiếu 864 tỷ đồng; hạch toán thiếu số phí bảo lãnh và lãi ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ đến 31/12/2014 chưa thu được 524 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo KTNN, công tác báo cáo, công khai nợ công còn chậm so với quy định. Các dự án chưa áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro về kỳ hạn, lãi suất và tỷ giá của các khoản vay, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, lãi suất và tỷ giá của nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh; một số dự án được bảo lãnh Chính phủ còn rủi ro. Hầu hết các dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được bảo lãnh Chính phủ chưa thế chấp tài sản cho Bộ Tài chính theo quy định. Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, tạo áp lực trả nợ lớn, gia tăng nghĩa vụ nợ của NSNN và dư nợ công.

Do đó, KTNN đã đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh số liệu nợ công tại Báo cáo các chỉ tiêu giám sát nợ công, số liệu Quỹ tích lũy trả nợ theo kết quả kiểm toán của KTNN. Đồng thời, KTNN đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với công tác quản lý Quỹ tích lũy trả nợ; chỉ đạo Vụ NSNN chấn chỉnh công tác giao dự toán nguồn kinh phí ngoài nước cho các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương, thực hiện tổng hợp kế hoạch vay của chính quyền địa phương theo đúng quy định.

Nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý nợ công, KTNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính ban hành mẫu biểu báo cáo về tình hình nợ quá hạn, nợ xấu của các dự án cho vay lại; hướng dẫn phân loại nợ đối với các dự án vay lại, dự án vay được Chính phủ bảo lãnh ứng vốn từ Quỹ tích lũy làm cơ sở đánh giá nợ, quản lý rủi ro và có biện pháp phù hợp để thu hồi nợ; nghiên cứu bổ sung quy định đối với việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tỷ giá, lãi suất của các dự án vay ngoại tệ, lãi suất thả nổi được Chính phủ bảo lãnh; ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương quản lý, hạch toán phần vốn vay lại thuộc nguồn vốn vay nước ngoài để thực hiện các dự án do Bộ, ngành T.Ư quản lý và địa phương nhận nợ, trả nợ phần vốn đối ứng…

Khắc phục giải ngân ODA tăng cao so với kế hoạch

Theo Báo cáo tình hình tiếp nhận, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của một số Bộ, ngành và địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số giải ngân cho 1.125 dự án là 113.118,6 tỷ đồng, trong đó giải ngân chi xây dựng cơ bản 57.725 tỷ đồng, bằng 343,16% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do trong Quyết định số 2011/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2013 quy định kế hoạch vốn nước ngoài thực hiện theo thực tế giải ngân. Tuy nhiên, cuối năm các cơ quan chủ quản có số rút vốn thực tế trong năm vượt kế hoạch giải ngân vốn nước ngoài không tiến hành các thủ tục phê duyệt Kế hoạch điều chỉnh theo quy định tại Thông tư số 218/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Từ thực tế trên, KTNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính: Rà soát, tổng hợp số giải ngân vốn ODA vượt dự toán báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét; thành lập tổ công tác liên ngành thực hiện rà soát, đối chiếu số liệu về vốn vay ODA trong các khâu (xây dựng chủ trương đầu tư, lập kế hoạch, giao kế hoạch vốn hàng năm, số liệu giải ngân và quyết toán NSNN) để hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vốn vay ODA phục vụ cho công tác quản lý. KTNN cũng kiến nghị Thủ trướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan đến công tác lập kế hoạch, phê duyệt và phân bổ vốn ODA để phù hợp với tiến độ giải ngân của các dự án và điều khoản của Hiệp định vay vốn ký kết với nhà tài trợ.

Qua kiểm toán, KTNN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cùng phối hợp nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện các văn bản quản lý, sử dụng vốn ODA phù hợp với Luật Đầu tư công, quy định rõ về thực tế giải ngân so với kế hoạch vốn để kiểm soát số lượng vốn ODA giải ngân không phá vỡ dự toán NSNN, không tăng bội chi NSNN; kiểm tra, rà soát, loại các dự án không thuộc đối tượng cấp bách, trọng điểm, không đúng các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra khỏi danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, không bố trí vốn cho các dự án ODA mà quyết định đầu tư xác định đối ứng từ ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn khác (không phải ngân sách T.Ư) theo đúng quy định. Đặc biệt, KTNN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Luật Quản lý nợ công cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Nhìn vào thực trạng sử dụng,  quản lý nợ công
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và Báo cáo kiểm toán chuyên đề quản lý nợ công năm 2014 của KTNN đều chỉ rõ những mặt tích cực và hạn chế của việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công thời gian qua.
  • Hoàn thiện Dự thảo Đề án và Kịch bản tổng thể tổ chức Đại hội ASOSAI 14
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ban Chỉ đạo thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành ASOSAI (gọi tắt là Ban Chỉ đạo - BCĐ) được thành lập theo Quyết định số 1423/QĐ-KTNN ngày 06/10/2015, có chức năng tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo các đơn vị trực thuộc KTNN xây dựng và tổ chức thực hiện thành công Kế hoạch hành động ASOSAI (KHHĐ ASOSAI), trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ chính: Tăng cường năng lực cán bộ thực hiện hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN; thực hiện nhiệm vụ là Chủ tịch và thành viên Ban điều hành ASOSAI; tuyên truyền, phổ biến về ASOSAI và KHHĐ ASOSAI; tổ chức Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam và chuẩn bị cơ sở vật chất cho các hoạt động trong khuôn khổ ASOSAI.
  • Công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái công chức KTNN đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tháng 7/2016, Ban cán sự Đảng KTNNban hành Nghị quyết 36-NQ/BCS về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vịtrí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức KTNN. TS. HồĐức Phớc - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Ban cán sự, Tổng Kiểm toán nhà nước - đãcó những chia sẻ với báo giới xung quanh nội dung này.
  • Khắc phục bất cập trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với tổ chức khoa học và công nghệ
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sau hơn 10 năm thực hiện đổi mới và giao quyền tự chủcho tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ (Nghịđịnh 115), nhiều tổ chức KH&CN đã chuyển đổi thành công. Tuy nhiên, việc chuyểnđổi, thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN vẫn bộc lộ nhiều bấtcập. Thực trạng này được KTNN chỉ ra trong Báo cáo kết quả kiểm toán Chuyên đềvề công tác quản lý và sử dụng kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động KH&CN năm2014.
  • Nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán: Đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội và nhân dân
    8 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - “Nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán của KTNN” là chủ đề của Hội thảo do KTNN phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/10. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa. Tham dự Hội thảo còn có các đại diện: USAID, Văn phòng Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA); chuyên gia tư vấn quốc tế cùng các đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc KTNN.
kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2014: Nhiều kiến nghị nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công