Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, ký năm 2008
Ảnh: N.LỘC
Giao vốn ODA căn cứvào đâu?
Qua kiểm toán, KTNN phát hiện, trong việc lập kế hoạch giải ngân, cân đối nguồn vốn ODA năm 2014 trong dự toán NSNN cho các chương trình, dự án có một số tồn tại.
Thứ nhất, một số cơ quan chủ quản chưa lập kế hoạch vốn năm 2014 hoặc chỉ nêu tên dự án, không xây dựng kế hoạch vốn cho dự án.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã giao kế hoạch vốn ngoài nước chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, ngành, địa phương và đề xuất của Vụ Kinh tế đối ngoại. Số liệu kiểm toán xác định Bộ KH&ĐT giao thấp hơn nhu cầu giải ngân của các Bộ, ngành, địa phương đăng ký là 33.777 tỷ đồng (các số liệu được làm tròn); giao kế hoạch vốn 4.586 tỷ đồng cho 254 dự án không nằm trong danh mục đăng ký của các Bộ, ngành, địa phương, trong khi có 359 dự án được các Bộ, ngành, địa phương đăng ký nhưng không được giao với số vốn đăng ký là 7.018 tỷ đồng; 38 dự án không trong danh mục Vụ Kinh tế đối ngoại đề xuất nhưng Bộ vẫn giao kế hoạch vốn 1.959 tỷ đồng; một số dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao vốn cao hơn so với Vụ Kinh tế đối ngoại trình Bộ KH&ĐT.
Thứ ba, số giải ngân năm 2014 của các Bộ, ngành là 13.074 tỷ đồng, vượt 5.922 tỷ đồng so với kế hoạch giao; của 63 địa phương là 14.658 tỷ đồng, vượt 6.958 tỷ đồng so với kế hoạch giao (số liệu do Kho bạc Nhà nước cung cấp). Còn theo Báo cáo tình hình tiếp nhận, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của một số Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ KH&ĐT thì số giải ngân cho 1.125 dự án là 113.188 tỷ đồng, trong đó giải ngân chi xây dựng cơ bản là 57.725 tỷ đồng, bằng 343,16% so với kế hoạch vốn Bộ KH&ĐT giao.
Thứ tư, đến thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính vẫn chưa chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay lại sang cấp phát đối với các khoản vay ODA của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC do Bộ Giao thông vận tải chậm phê duyệt điều chỉnh nguồn vốn đầu tư của các dự án.
Một số quy địnhchưa thực hiện nghiêm túc
Đối với các khoản vay ODA, Bộ KH&ĐT đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án vay vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo quy định. Bộ cũng đã hoàn tất quá trình xây dựng danh mục vay vốn WB/ADB giai đoạn 2015-2017, đồng thời phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc để triển khai Kế hoạch chung 2012-2016 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án.
Đối với các chương trình, dự án vốn vay ưu đãi đã được Chính phủ/Chủ tịch nước ủy quyền ký kết từ các năm trước đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục triển khai trong năm 2014. Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện chuẩn bị đàm phán, ký kết với các nhà tài trợ song phương (Nhật Bản, Thụy Sỹ, Canada) về các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho ngành ngân hàng. Qua kiểm toán, KTNN đánh giá việc xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ và triển khai vận động từ nguồn ODA của NHNN phù hợp với chủ trương thu hút, sử dụng ODA của Nhà nước và của ngành ngân hàng trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, liên quan tới việc tổ chức vận động, điều phối nguồn vốn ODA, chủ trì đàm phán, ký kết Điều ước quốc tế về vay vốn ODA năm 2014, mặc dù Điều 30 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP quy định rõ Bộ KH&ĐT là cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết Điều ước quốc tế khung về ODA và vốn vay ưu đãi, nhưng theo báo cáo của Bộ KH&ĐT năm 2014 đã không ký kết Điều ước này. Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra rằng, việc đề xuất ký kết Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi còn nhiều đầu mối. Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP thì có tới 4 nhóm đầu mối (Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ Tài chính; NHNN; Bộ KH&ĐT) nên khó khăn trong công tác theo dõi và quản lý. Để khắc phục bất cập này, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
Về việc tổ chức giám sát, đánh giá ODA cũng như vốn vay ưu đãi, theo quy định, Bộ KH&ĐT là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá ở cấp quốc gia, có nhiệm vụ chủ trì lập kế hoạch giám sát, đánh giá hàng năm và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm kết thúc kiểm toán, đơn vị chưa cung cấp được Kế hoạch giám sát và các báo cáo đánh giá sau đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT chưa phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng đề án rà soát, đánh giá và tổng kết 5 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công theo quy định tại Quyết định số 477/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch trả nợ năm 2014.
Trong cơ cấu các khoản nợ nước ngoài, ngoài vay ODA và vay ưu đãi, Việt Nam còn phát hành trái phiếu quốc tế và vay nước ngoài về cho vay lại. Liên quan đến khoản nợ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế, đến 31/12/2014, số dư phát hành trái phiếu quốc tế là 2,088 tỷ USD, tương đương 44.368 tỷ đồng. Tính riêng năm 2014 đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 4,8%/năm. Đối với việc quản lý các khoản vay nước ngoài về cho vay lại, tính đến 31/12/2014, số nợ phải trả nước ngoài về cho vay lại tương đương 15,771 tỷ USD, tăng 755,9 triệu USD so với năm 2013; dư nợ cho vay lại đối với các khách hàng/dự án vay lại tương đương 12,826 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2013. KTNN phát hiện dư nợ của các dự án có nợ quá hạn đến 31/12/2014 tương đương 1,290 tỷ USD (chiếm 10,06% tổng dư nợ), trong đó nợ quá hạn tương đương 416,7 triệu USD. Cũng đến thời điểm đó, còn 3 dự án và Vinashin ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ chưa thanh toán số tiền 313,96 triệu USD.
QUỲNH ANH