Kiểm toán viên nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Ảnh tư liệu |
Theo đó, căn cứ hướng dẫn của KTNN về mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán trọng yếu; căn cứ kết quả khảo sát, xác định rủi ro, trọng yếu và trọng tâm kiểm toán để xác định mục tiêu của cuộc kiểm toán, Đề cương hướng dẫn một số mục tiêu chủ yếu:
Đánh giá việc thực hiện các quy định về lập, giao, phân bổ vốn dự phòng chung NSTƯ trong nước tại các Bộ, ngành và địa phương.
Đánh giá tính tuân thủ hệ thống các văn bản về quản lý, sử dụng và thanh toán vốn; việc tuân thủ luật pháp, các chính sách, chế độ tài chính, kế toán theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các văn bản liên quan đến quản lý đầu tư và xây dựng.
Xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính hoặc báo cáo quyết toán vốn đầu tư thực hiện của các dự án kiểm toán chi tiết.
Đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý và sử dụng vốn.
Chỉ ra các bất cập, hạn chế để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác phân bổ, quản lý, sử dụng vốn, công tác quản lý đầu tư xây dựng và biện pháp khắc phục những tồn tại được phát hiện thông qua kiểm toán; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho các cơ quan chức năng thực hiện quản lý, giám sát quá trình quản lý, sử dụng vốn.
Về đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, theo Đề cương: Căn cứ vào Chuẩn mực KTNN, quy trình kiểm toán và kết quả khảo sát thu thập thông tin, quá trình kiểm toán cần tiến hành các thủ tục phân tích một cách kỹ lưỡng các thông tin cũng như các đánh giá thông tin đã thu thập từ khâu trình bổ sung dự án vào danh mục, bổ sung kế hoạch vốn, thực hiện dự án... hệ thống kiểm soát nội bộ để thiết kế các thủ tục kiểm toán cần thiết nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có sai sót trọng yếu. Việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu cần được thực hiện một cách liên tục trong tất cả các bước của quy trình kiểm toán...
Về tổ chức thực hiện kiểm toán, Đề cương hướng dẫn thành lập Đoàn KTNN do KTNN chuyên ngành II chủ trì thực hiện kiểm toán tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT); kiểm toán chi tiết các dự án theo Thông báo số 1315/TB-KTNN ngày 26/11/2020 của KTNN và các dự án bổ sung (nếu có).
Đối với các KTNN chuyên ngành và khu vực: lồng ghép các nội dung kiểm toán trong Đề cương kiểm toán đã được phê duyệt vào kế hoạch kiểm toán của đơn vị để thực hiện kiểm toán.
KTNN chỉ ra nhiều bất cập trong việc phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công |
Kết quả kiểm toán kỳ trước của KTNN cho thấy những bất cập trong việc phân bổ, quản lý và sử dụng vốn. Cụ thể:
Một số địa phương chưa ưu tiên bố trí nguồn NSĐP theo tỷ lệ được phê duyệt tại quyết định đầu tư mà chủ yếu nguồn vốn trung ương;
Việc đăng ký và phân bổ vốn còn chưa đáp ứng theo nguyên tắc hoặc chưa thực sự được ưu tiên.
Một số Bộ, ngành, địa phương không phân bổ hết số vốn dự phòng chung cho các dự án đã trình và được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; một số địa phương đăng ký kế hoạch hằng năm vượt trung hạn; đăng ký chưa phù hợp với khả năng thực hiện; phân bổ vốn chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp.
Giao vốn chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên theo quy định của Nghị quyết 84/2019/QH14; Nghị quyết số 71/2018/QH14 và Luật Đầu tư công năm 2014 (chưa ưu tiên bố trí đủ vốn thanh toán nợ của các dự án nợ; chưa ưu tiên bố trí vốn số vốn các dự án dở dang đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục dự kiến bố trí đã báo cáo UBTVQH.
Bố trí vốn cho các dự án khởi công mới chưa có trong danh mục dự kiến bố trí vốn đã báo cáo UBTVQH; chưa ưu tiên bố trí vốn cho một số dự án thuộc diện cấp bách lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi và hạ tầng thiết yếu khác).
Giao vốn không căn cứ vào nhu cầu; giao, bổ sung, điều chỉnh không phù hợp với thời gian thực hiện dự án (thường có tình trạng dồn vốn vào cuối niên độ ngân sách); giao kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn dự phòng chung vượt mức dự kiến vốn năm 2020 của Bộ KH&ĐT thông báo cho các Bộ, ngành và địa phương...
Báo cáo tình hình thực hiện vốn của các Bộ, ngành địa phương chậm, chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP.
Một số địa phương, HĐND tỉnh chỉ quyết nghị tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, không thông qua chi tiết danh mục và mức vốn cho từng dự án theo quy định mà giao lại cho UBND tỉnh không đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Luật Đầu tư công…
Việc tạm ứng, thu hồi tạm ứng chưa đúng chế độ quy định.
Tiến độ thực hiện dự án còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng chậm so với kế hoạch; dự án lập chưa phù hợp phải điều chỉnh…
THÙY ANH