Việt Nam ngày càng thu hút nhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: TTXVN |
Theo Chiến lược phát triển NLTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát triển và sử dụng nguồn NLTT góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh (giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng; giảm nhiên liệu nhập khẩu cho mục đích năng lượng).
Cùng với đó là tăng tổng các nguồn NLTT sản xuất, sử dụng; thúc đẩy sự phát triển của công nghệ NLTT và các ngành công nghiệp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần dành cho xuất khẩu. Từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến năm 2020, hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030, hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý.
Đồng thời phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng (khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050) và góp phần giảm nhiên liệu nhập khẩu cho mục đích năng lượng (giảm khoảng 40 triệu tấn than và 3,7 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2030; giảm khoảng 150 triệu tấn than và 10,5 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2050).
Với Chuyên đề kiểm toán này, KTNN đặt mục tiêu đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai và bảo vệ môi trường trong thực hiện dự án NLTT; việc đồng bộ ban hành các chính sách ưu đãi trong phát triển NLTT; cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn, các dự án điện gió tại Việt Nam. Đánh giá việc chấp hành pháp luật về chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá công tác miễn, giảm thuế; ưu đãi các khoản thu về đất đai; thực hiện chính sách môi trường; việc cấp đất sử dụng cho các dự án NLTT phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
KTNN cũng đánh giá hiệu quả cơ chế khuyến khích phát triển các dự án NLTT; khung pháp lý hiện hành, lộ trình ban hành các chính sách phát triển có kịp thời, phù hợp với Chiến lược phát triển dự án NLTT. Đánh giá việc thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển NLTT tại các địa phương. Việc phát triển các dự án NLTT ảnh hưởng tác động như thế nào đến môi trường, có tạo ra nguồn năng lượng sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng năng lượng hoá thạch.
Qua đó nhằm cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, HĐND các tỉnh (thành phố) và thông qua kiểm toán chỉ ra các sai phạm để kiến nghị với các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý về quy hoạch, ưu đãi đầu tư, chấp hành các nghĩa vụ với NSNN và biện pháp khắc phục những tồn tại; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến cấp phép, quản lý nhà nước đối với dự án sử dụng NLTT.
Theo đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tại Bộ Công Thương; Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính và một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Định, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên) với giai đoạn kiểm toán từ năm 2015-2021 và các thời kỳ trước, sau có liên quan./.