Sáng 05/11, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam đã khai mạc Hội thảo quốc tế của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) với chủ đề "Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề".
Thông tin tại Hội thảo, bà Hà Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, toàn tỉnh Nam Định có 124 làng nghề, 26 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập. Các CCN có quy mô từ nhỏ đến vừa, bao gồm các ngành sản xuất chế biến, dệt may, cơ khí và chế biến thực phẩm.
Hiện nay, các CCN của Nam Định đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao
thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Hoạt động của các cụm công nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm địa phương.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới Luật, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các CCN, làng nghề.
Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm, Viện Hợp tác và Môi trường phát triển bền vững, tổ chức Winrock International triển khai thực hiện Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm” do Tổ chức USAID tài trợ; trong đó dự án đang triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho làng nghề gia công, tái chế kim loại tại thôn Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay, các làng nghề truyền thống đã có nhiều thay đổi, biến động do nhu cầu thị trường đối với sản phẩm làng nghề đã không còn phù hợp. Việc di dời các cơ sở sản xuất không khuyến khích phát triển tại làng nghề gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, quỹ đất sản xuất và tập quán sản xuất của người dân. Tại các CCN đặc thù sản xuất đóng tàu nằm dọc đường sông có vị trí nằm ngoài đê nên theo quy định không được xây dựng hạ tầng. Do vậy, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt trạm quan trắc nước thải online đối với các CCN là không phù hợp.
Chia sẻ về thực tiễn tại địa phương, ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, toàn tỉnh có 21 CCN đã được thành lập, quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 542,11 ha và 08 làng nghề truyền thống, 06 làng nghề đã được công nhận với hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, với 2.832 hộ, 24 doanh nghiệp và 8 hợp tác xã; giải quyết việc làm cho 8.466 lao động; tổng doanh thu của các làng nghề ước đạt 973,4 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường đối với các CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn những bất cập, khó khăn cần khắc phục, tháo gỡ. Cụ thể như: chưa đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; các làng nghề vẫn còn nằm xen lẫn trong khu dân cư, hạ tầng thu gom xử lý nước thải, khí thải chưa đáp ứng yêu cầu... Các hạn chế này đã được nêu rõ qua các kết luận của KTNN tại cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các CCN và làng nghề của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2022.
Trên cơ sở kết luận của KTNN, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, địa phương triển khai khắc phục những tồn tại trong công tác xây dựng, ban hành và sửa đổi các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề; hướng dẫn, đốc đốc các địa phương tiếp tục rà soát Phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2023 theo Quy hoạch tỉnh.
Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo “Không tiếp nhận thêm dự án đầu tư mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong cụm công nghiệp nếu không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Trần Báu Hà thông tin.
Từ góc nhìn của KTNN, bà Nguyễn Thị Kiều Thu - KTNN chuyên ngành III cho biết, từ thực trạng và những thách thức hiện hữu trong công tác quản lý môi trường tại các CCN và làng nghề, năm 2022, KTNN Việt Nam đã triển khai kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các CCN, làng nghề trên địa bàn Thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Hoài Đức (Thành phố Hà Nội) trong giai đoạn 2019-2021; năm 2023, cuộc kiểm toán mở rộng quy mô đến các CCN và làng nghề của các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, và Hà Tĩnh trong giai đoạn 2020-2022.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement, 2015) đã đặt ra những mục tiêu lớn, trong đó Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu. Kiểm toán môi trường góp phần quan trọng trong việc giám sát các hoạt động công nghiệp, nhằm đảm bảo rằng những cam kết này được thực thi một cách nghiêm túc.
Thông qua kiểm toán, KTNN Việt Nam đã chỉ ra những bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách; giám sát và nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm quy chuẩn xả thải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng; bố trí nguồn lực đảm bảo tỷ lệ 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề; thiếu xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định…
Việc thiếu nguồn vốn hỗ trợ cũng như thiếu sự đầu tư dẫn đến hạ tầng bảo vệ môi trường và công trình xử lý ô nhiễm tại các cụm công nghiệp và làng nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; hạ tầng một số làng nghề lạc hậu, xuống cấp; máy móc, thiết bị còn lạc hậu, công nghệ sản xuất chậm được đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất làng nghề còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Những vấn đề này là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đại diện KTNN chuyên ngành III đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Kiều Thu nhấn mạnh, kiểm toán môi trường đóng vai trò như một công cụ quan trọng trong việc giám sát, đánh giá và nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo rằng các cơ sở sản xuất tuân thủ nghiêm túc các quy định, từ đó hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, năng lực quản lý mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ hiện đại, và vai trò kiểm toán môi trường được đẩy mạnh sẽ là những yếu tố nền tảng giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Tính đến hết năm 2023 Việt Nam có 706 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 23.400ha, chiếm 66,4% số cụm công nghiệp đã thành lập; thu hút gần 14.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; trong đó có 214/706 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 30,3%, tăng 5,9% so với năm 2022; riêng đối với các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
Về làng nghề, theo ghi nhận có 211 nghề truyền thống và 2.031 làng nghề, làng truyền thống đã được công nhận; chủ yếu là các làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, chiếm tỷ lệ 32,8%. Trong đó, mới chỉ có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%.
Báo cáo số 212/BC-CP ngày 04/5/2024 của Chính phủ về Công tác bảo vệ môi trường năm 2023