Khu CNC TP. HCM đã thu hút 134 dự án với tổng vốn đầu tư 154.597 tỷ đồng, trong đó, 53 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 5.370 triệu USD trên diện tích 258,7 ha; 81 dự án 100% vốn trong nước với tổng vốn đầu tư 36.457 tỷ đồng trên diện tích 215,8 ha. Theo kết quả kiểm toán của KTNN, đến nay, về cơ bản Ban Quản lý Khu CNC đã hoàn thành vượt các mục tiêu thu hút đầu tư và quản lý DN giai đoạn II (2013-2018), tuy nhiên, công tác quản lý vẫn cho thấy nhiều sai sót, hạn chế.
Đơn giá cho thuê đấtkhông theo nguyên tắcxác định giá đất
Ban Quản lý Khu CNC tham mưu xây dựng đơn giá cho thuê đất giai đoạn II trong Khu CNC trên cơ sở chi phí đầu tư, không theo nguyên tắc xác định giá đất phải sát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường được quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ; chưa áp dụng các phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất quy định tại Nghị định số 188/2004/NĐ-CP, Nghị định số 123/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính. Việc xây dựng đơn giá thuê đất giai đoạn II trên cơ sở chi phí đầu tư không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là chưa đầy đủ các yếu tố chi phí cần thiết cho việc tính toán giá thuê đất hợp lý, chưa tiếp thu ý kiến thẩm định của Sở Tài chính TP. HCM về đơn giá thuê đất, làm ảnh hưởng đến việc hoàn trả vốn đầu tư từ NSNN.
Đối với Khu CNC, về nguyên tắc, giá thuê đất phải được xây dựng phù hợp với mặt bằng giá thị trường, các DN thuê đất trong Khu CNC được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định về miễn tiền thuê đất suốt thời gian hoạt động hoặc một số năm theo quy định pháp luật. Nhưng, với việc tính tiền thuê đất theo chi phí đầu tư không gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất thương phẩm bình quân ở Khu CNC trở nên rất thấp so với giá cho thuê tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, Ban Quản lý Khu CNC đã chậm triển khai thực hiện việc xây dựng các quy định về giá thuê đất tại Khu CNC để trình UBND Thành phố ban hành, gồm: xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất và mức tỷ lệ % để xác định giá đất, tính tiền thuê đất trong Khu CNC. Ban Quản lý cũng chưa tham mưu UBND TP. HCM ban hành quy định về việc thu lại chi phí giải phóng mặt bằng đối với trường hợp miễn tiền thuê đất suốt thời gian hoạt động được giao đất sau ngày 01/7/2014 theo Nghị định số 35/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu CNC, dẫn đến việc thực hiện xử lý khoản chi phí này không nhất quán. Các hạn chế trên đã làm chậm việc thực hiện chính sách giá thuê đất mới đối với Khu CNC.
Sai sót trong cấp phép đầu tư và hoạt động đầu tư xây dựng
Theo KTNN, quy định tiêu chuẩn đánh giá và lựa chọn dự án vào Khu CNC giai đoạn II của Ban Quản lý không có 3 tiêu chí, trong đó, việc không áp dụng tiêu chí “Doanh thu bình quân của DN trong 3 năm liền từ sản phẩm CNC phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ 4 trở đi phải đạt 70% trở lên” dẫn đến việc DN không cam kết và có thể không chú trọng tập trung sản xuất sản phẩm CNC, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của Khu CNC. Mặc dù sau đó, Ban Quản lý đã bổ sung 3 tiêu chí này nhưng việc chậm áp dụng đã ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn 32 dự án sản xuất CNC trong giai đoạn 2012-2017.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, khi xây dựng các tiêu chí đối với công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu CNC, Ban Quản lý Khu CNC chưa vận dụng tiêu chí tỷ lệ doanh thu tối thiểu, chưa ban hành tiêu chí lựa chọn dự án cung ứng dịch vụ CNC. Hệ quả, có 11 dự án được cấp phép không đáp ứng tiêu chí, điều kiện theo quy định; 5 dự án được xác định là sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghiệp CNC nhưng không thuộc Danh mục công nghiệp hỗ trợ công nghiệp CNC ưu tiên phát triển; 2 dự án kinh doanh thương mại không cần thiết phải đầu tư. Ngoài ra, việc chấp thuận cho Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung Ce Complex không phải DN CNC được vào đầu tư đã dẫn đến việc phải cấp phép đầu tư cho 1 dự án thương mại cung cấp khí gas, là dự án không thuộc đối tượng được đầu tư vào Khu CNC.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định lựa chọn nhà đầu tư về công nghệ, sản phẩm, năng lực tài chính chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng 17 dự án chậm triển khai so với thời gian cam kết tại giấy chứng nhận đầu tư, 23 dự án bị thu hồi và rút giấy phép, 11 dự án không phải là dự án sản xuất sản phẩm CNC, cung ứng dịch vụ CNC, không thuộc danh mục công nghiệp hỗ trợ công nghiệp CNC hoặc DN thương mại không cần thiết phải hoạt động trong Khu CNC, dẫn đến việc Ban Quản lý chấp thuận cho các dự án này hưởng ưu đãi đầu tư mức cao nhất, không đúng quy định pháp luật.
Về hoạt động đầu tư xây dựng, cũng theo KTNN, Ban Quản lý Khu CNC đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ việc kiểm tra các DN sản xuất, cung cấp dịch vụ đào tạo, hoạt động nghiên cứu và phát triển CNC. Trong số 68 DN đang hoạt động, có 3/32 DN sản xuất CNC chưa được kiểm tra tình hình hoạt động như đã cam kết, 8/36 DN đang hoạt động trong các lĩnh vực còn lại chưa được kiểm tra theo các tiêu chí như quy định…
Ngoài ra, một số dự án khởi công xây dựng khi chưa thực hiện và có Quyết định phê duyệt Quy định quản lý dự án theo đồ án Quy hoạch công trình xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định tại khoản 3, Điều 34 Luật Quy hoạch đô thị; 2 dự án chậm tiến độ xây dựng và tiến độ đưa vào hoạt động; 17 dự án chậm triển khai từ 6 - 27 tháng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu giai đoạn II, chậm phát huy hiệu quả sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật mà NSNN đã đầu tư.
Kiến nghị của Kiểm toánNhà nước
Trên cơ sở chỉ ra những bất cập, KTNN kiến nghị Ban Quản lý Khu CNC cần chấn chỉnh các hạn chế trong công tác quản lý đất đai, thu tiền thuê đất; thu lại chi phí giải phóng mặt bằng đối với trường hợp miễn tiền thuê đất suốt thời gian hoạt động được giao đất sau ngày 01/7/2014 theo quy định tại Nghị định số 35/2017/NĐ-CP; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh công tác xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất và mức tỷ lệ % để xác định giá đất tính tiền thuê đất trong Khu CNC.
Ban Quản lý cần chấn chỉnh công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; rà soát lại các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư; ban hành thành văn bản các tiêu chí làm căn cứ đánh giá tính hợp lý nhu cầu sử dụng đất của dự án, phù hợp với đặc điểm từng lĩnh vực đầu tư; kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung Danh mục các công nghệ, sản phẩm thuộc lĩnh vực CNC cần khuyến khích đầu tư nhưng chưa có trong Danh mục. Bên cạnh đó, Ban Quản lý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá đối với các dự án đã đi vào hoạt động cũng như việc triển khai dự án tại Khu CNC, đồng thời có biện pháp xử lý đối với dự án chậm tiến độ, xem xét thu hồi giấy phép khi chủ đầu tư không triển khai thực hiện trong thời hạn quy định.
KTNN cũng kiến nghị: UBND TP. HCM cần chỉ đạo, đôn đốc Ban Quản lý và các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề về đất đai, tham mưu để xử lý đối với dự án không thuộc ngành nghề, lĩnh vực đầu tư vào Khu CNC; Bộ Tài chính cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các dự án không thuộc lĩnh vực CNC và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp CNC nhưng được đầu tư vào Khu CNC theo quy định pháp luật; Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xem xét tham mưu trình Chính phủ bổ sung quy định cụ thể về dự án công nghiệp hỗ trợ công nghiệp CNC và các loại dự án kinh doanh thương mại, cung ứng dịch vụ, hậu cần được đầu tư vào Khu CNC.
ĐẶNG VĂN CÔNG - LÊ THỊ THANH HUYỀN
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 01-8-20-19