KTNN đã chỉ rõ một số tồn tại, bất cập được phát hiện khi kiểm toán lĩnh vực KH&CN tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Ảnh: T.S
Cùng với đó, KTNN cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, bất cập được phát hiện khi kiểm toán lĩnh vực KH&CN tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Trong đó có việc một số đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch nghiên cứu hàng năm chưa chủ động, còn phụ thuộc vào đề xuất của các tổ chức, cá nhân tại thời điểm xây dựng kế hoạch. Kinh phí khoa học mới chủ yếu tập trung cho xây dựng cơ bản và chi thường xuyên, chưa tập trung nhiều cho hoạt động nghiên cứu khoa học; việc sử dụng kinh phí thường xuyên chi cho con người thường chiếm từ 60-70% tổng kinh phí.
Trong phê duyệt danh mục nghiên cứu còn tình trạng trùng lặp về tên đề tài và giống nhau về nội dung, xét chọn đề tài phần lớn được áp dụng theo phương thức giao trực tiếp hơn là phương thức tuyển chọn. Công tác kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý KH&CN chưa được thường xuyên, kịp thời; chưa theo dõi chặt chẽ việc thu hồi nộp NSNN đối với các dự án sản xuất thử nghiệm phải thu hồi kinh phí hoặc bị dừng triển khai; chưa có phương án xử lý đối với tài sản hình thành từ các đề tài, dự án…
Bên cạnh những tồn tại xuất phát từ phía các đầu mối Bộ, ngành, địa phương, KTNN cũng nhận định rõ một số hạn chế trong công tác kiểm toán lĩnh vực KH&CN từ năm 2010 đến nay. Cụ thể, thời gian qua, KTNN mới tập trung kiểm toán kinh phí sự nghiệp KH&CN, kiểm toán chi đầu tư phát triển cho KH&CN còn hạn chế, kết quả kiểm toán chưa rõ nét, đặc biệt về kiểm toán đánh giá hiệu quả đầu tư cho KH&CN.
Mặc dù kinh phí sự nghiệp KH&CN luôn là một nội dung kiểm toán thường xuyên trong các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước hàng năm của KTNN tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tại các địa phương, song ngoại trừ các cuộc kiểm toán tại Bộ KH&CN cũng như một số Viện Hàn lâm, nhiều cuộc kiểm toán chưa xác định kiểm toán chi cho lĩnh vực KH&CN là trọng tâm kiểm toán.
Số cuộc kiểm toán chuyên đề về KH&CN còn rất hạn chế, đặc biệt ở các địa phương. Xét trên phạm vi toàn ngành, KTNN vẫn chưa tổ chức được cuộc kiểm toán chuyên đề KH&CN với phạm vi rộng. Do đó, kết quả kiểm toán hàng năm liên quan đến KH&CN còn hạn chế, manh mún. Hơn nữa, hoạt động kiểm toán những năm qua chủ yếu thiên về kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ nên kiểm toán hoạt động, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong đầu tư cho lĩnh vực KH&CN còn hạn chế.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục hạn chế trong kiểm toán lĩnh vực KH&CN, KTNN đã định hướng lại hoạt động kiểm toán lĩnh vực KH&CN trong năm 2015 và trong những năm tới. Trong đó, KTNN phấn đấu tiến hành kiểm toán thường xuyên hàng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tăng quy mô mẫu kiểm toán về tổng thể và tại các đầu mối kiểm toán trên để đạt yêu cầu xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán ngân sách, trong đó có quyết toán chi NSNN cho lĩnh vực KH&CN, bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp. Trong điều kiện giới hạn về nhân sự, thời gian, KTNN sẽ đẩy mạnh kiểm toán tại các cơ quan quản lý tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng kinh phí lĩnh vực KH&CN, kết hợp chọn mẫu kiểm toán chi tiết phù hợp để xác nhận số liệu quyết toán ngân sách địa phương, NSNN hàng năm đầu tư cho lĩnh vực KH&CN làm căn cứ cho HĐND, Quốc hội phê chuẩn quyết toán.
Bên cạnh đó, KTNN sẽ tăng cường mục tiêu, nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán ngân sách; nghiên cứu tổ chức các cuộc kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực đối với những chương trình, dự án… trong lĩnh vực KH&CN được cơ quan dân cử, cơ quan quản lý các cấp, dư luận xã hội quan tâm.
PHÚC KHANG