Kiểm toán môi trường theo hướng chuyên nghiệp

(BKTO) - Từ ngày 26-28/4, tại trụ sở KTNN, 111 Trần Duy Hưng - Hà Nội, KTNN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Kiểm toán Cộng hòa Indonesia (BPK) tổ chức khóa đào tạo về Kiểm toán môi trường (KTMT).




Hội thảo kiểm toán môi trường. Ảnh:HỒNG THOAN

Nhận thức rõ tầm quan trọng của KTMT

Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, bà Hà Thị Mỹ Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KTNN) cho biết, những năm vừa qua, KTNN Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và chú trọng đến lĩnh vực KTMT thông qua một số hoạt động như cử cán bộ tham gia các nhóm công tác về KTMT của INTOSAI và ASOSAI; thành lập Phòng KTMT; thực hiện một số cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường…

Tuy nhiên, trên thực tế, KTNN Việt Nam mới chủ yếu kiểm toán lồng ghép nội dung KTMT trong hầu hết các cuộc kiểm toán năm. Có thể kể ra một số cuộc kiểm toán tiêu biểu có nội dung liên quan đến môi trường như: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh An Giang; Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội; Dự án thủy lợi lưu vực sông Hồng giai đoạn 2; Dự án xử lý nước thải, chất rắn và bảo vệ môi trường thành phố Hội An; Chuyên đề Chất lượng thủy sản tại Việt Nam (kiểm toán song song với KTNN LB Nga); Các vấn đề về nước sông Mê Kông (kiểm toán song song giữa 5 KTNN thuộc ASEANSAI); và các cuộc kiểm toán chuyên đề về quy hoạch đô thị, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản…

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của lĩnh vực KTMT, ông R.Bramantyo - Chuyên gia Trung tâm đào tạo của BPK nêu rõ: KTNN Việt Nam và BPK đều là các cơ quan kiểm toán tối cao và có trách nhiệm trong việc kiểm toán sự ô nhiễm môi trường do các hoạt động và dự án gây ra cũng như tìm ra các giải pháp giúp hệ thống quản lý môi trường hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cơ quan kiểm toán tối cao cần kiến nghị Chính phủ tăng cường thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường trên cả nước. Thông qua kiểm tra việc thực hiện các chính sách môi trường quốc gia, hoạt động của hệ thống quản lý môi trường, lợi ích của quỹ môi trường và việc sử dụng hợp lý các nguồn lực, KTMT có thể tăng cường kiểm soát rủi ro môi trường, đồng thời nâng cao khả năng quản lý môi trường của Chính phủ.

BPK được đánh giá là cơ quan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực KTMT, đồng thời cũng là Chủ tịch Nhóm KTMT của INTOSAI. Trong khuôn khổ khóa đào tạo, các chuyên gia của BPK đã tập trung vào các nội dung: khái niệm, phương pháp luận về KTMT; giới thiệu sổ tay KTMT của BPK và kinh nghiệm của BPK; mục tiêu, phạm vi KTMT; xây dựng các câu hỏi nghiên cứu và tiêu chí kiểm toán; bằng chứng kiểm toán; thiết kế ma trận kiểm toán; lập Báo cáo kiểm toán. Đặc biệt, các chuyên gia đã dành nhiều thời gian để các học viên hỏi đáp, thảo luận và làm bài tập thực hành.

Nhiều thách thứctrong lĩnh vực KTMT

Mặc dù việc thành lập Phòng chuyên về KTMT và các vấn đề hợp tác quốc tế về KTMT đã được đặt ở cấp KTNN Trung ương tại Việt Nam, tuy nhiên, việc thiết lập chức năng và bộ phận KTMT cũng gặp những thách thức không nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do các văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động của DN còn thiếu và chưa đồng bộ.

Việt Nam cũng chưa có một văn bản pháp lý cụ thể nào quy định KTNN có chức năng KTMT; nhận thức và dư luận xã hội về lĩnh vực KTMT còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các đối tượng cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường của quốc gia, trong khi đây là kênh thông tin hết sức quan trọng có thể hỗ trợ rất nhiều cho KTNN trong hoạt động kiểm toán.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác đào tạo cán bộ có kiến thức và kinh nghiệm về KTMT của KTNN còn rất hạn chế, do đó chúng ta chưa xây dựng được một đội ngũ kiểm toán viên môi trường chuyên nghiệp; chưa xây dựng được một quy trình, phương pháp riêng đối với hoạt động KTMT.

Thực tế này cho thấy việc giải quyết những thách thức mà KTNN sẽ đối mặt trong quá trình thực hiện KTMT không chỉ cần thời gian, sự nỗ lực và định hướng rõ ràng từ KTNN mà còn cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức và các SAI quốc tế.

Đánh giá cao việc các chuyên gia BPK đã giúp đỡ KTNN Việt Nam tổ chức khóa đào tạo về KTMT này, PGS.TS Phan Duy Minh - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) cho biết: “Các học viên tham gia khóa học sau đó sẽ là hạt nhân để KTNN Việt Nam tiếp tục mở các khóa đào tạo tương tự cho các học viên ở các đơn vị chuyên môn trực thuộc KTNN nhằm mục tiêu thực hiện tốt công tác KTMT. Chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của BPK không chỉ trong lĩnh vực KTMT mà trong nhiều lĩnh vực kiểm toán chuyên đề khác nữa trong tương lai”.

Để vượt qua những thách thức này, KTNN đang tập trung xây dựng và tăng cường năng lực KTMT, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ kiểm toán viên KTMT thông qua các hình thức mời chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm, cử tham gia các khóa học tại nước ngoài, tìm kiếm các dự án tài trợ cho phát triển KTMT; phát triển đội ngũ cán bộ kiểm toán viên KTMT đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngành hợp lý.

Đồng thời, KTNN cũng tập trung đề xuất, xây dựng các văn bản pháp lý quy định rõ chức năng kiểm toán môi trường của KTNN; xây dựng và phát triển các hướng dẫn, phương pháp KTMT theo hướng tuân thủ ISSAI; tăng cường nhận thức và ý thức của các cơ quan, đơn vị và xã hội về KTMT; phát triển tổ chức bộ máy KTMT thuộc KTNN; triển khai và tăng cường các cuộc KTMT.

HỒNG THOAN

Cùng chuyên mục
Kiểm toán môi trường theo hướng chuyên nghiệp