Dai dẳng nỗi lo thâm hụt ngân sách

(BKTO) - Thâm hụt ngân sách tiếp diễn từ năm này qua năm khác và vẫn đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế Việt Nam. Nhận định này được không ít chuyên gia đưa ra tại các cuộc Hội thảo đánh giá tình hình kinh tế quý I/2016 gần đây.




Thâm hụt NSNN đã và đang là vấn đề đáng lo ngại. Ảnh: TS
Thâm hụt ngân sách vẫn là tâm điểm kinh tế năm 2016

Báo cáo kinh tế quý I/2016 mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 22/4 đã cảnh báo mức thâm hụt NSNN ngày càng tăng. Cụ thể, bội chi NSNN đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020. Việt Nam có mức thâm hụt NSNN lớn hơn so với một số nước trong khu vực. Năm 2015 thâm hụt NSNN của Việt Nam là 6,9% GDP, trong khi của Thái Lan là 1,2% GDP, Campuchia là 2% GDP, Indonesia là 2,3% GDP.

Trước đó, tại Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế quý I/2016 ngày 12/4, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã dẫn lại mức thâm hụt ngân sách 6,34% GDP năm 2015 mà Chính phủ trình Quốc hội. Mức thâm hụt này thấp hơn so với ước tính 7% của VERP và số liệu của CIEM nhưng vẫn rất lớn so với mức mục tiêu 5% GDP mà Quốc hội đưa ra. “Tình trạng này diễn ra liên tục trong nhiều năm phản ánh kỷ luật tài khóa lỏng lẻo. Các nguồn thu ngắn hạn đang được đẩy mạnh để bù đắp thiếu hụt ngân sách do các nguồn thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu suy giảm” - báo cáo của VERP nêu rõ.

Trong lúc NSNN đang gặp khó khăn thì ở nhiều nơi vẫn còn những khoản chi sai nguyên tắc. Minh chứng là quý I/2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi và phát hiện khoảng 2.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định (Báo cáo của Bộ Tài chính).

Nỗi lo thâm hụt ngân sách là hoàn toàn có cơ sở bởi theo TS. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế, các khoản vay của Việt Nam hiện nay đã tăng lên nhanh chóng và mặc dù Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cắt giảm chi thường xuyên nhưng dường như những giải pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng cho biết: Ngân sách năm nay sẽ phải dùng khoảng 24-25% để trả các khoản nợ đến hạn. Nhiều khoản chi tiêu trong quý IV/2015 phải ứng tiền của quý I/2016 nhưng quý I/2016 chưa kịp trả thì lại phải ứng tiếp của các quý sau để tiêu. Bởi vậy, tâm điểm kinh tế của quý I/2016 và của cả năm nay vẫn là câu chuyện về tài chính, ngân sách.

Những nỗi lo được báo trước

Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, thâm hụt ngân sách đã và đang là vấn đề đáng lo ngại, đe dọa sự phát triển kinh tế Việt Nam. Dưới lăng kính của TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VERP, thâm hụt ngân sách chính là một phần nguyên nhân của hiện tượng lấn át trên thị trường vốn thời gian qua. Để tài trợ cho thâm hụt ngân sách, Nhà nước phải phát hành trái phiếu chính phủ và tiếp tục vay nợ. Khi nền kinh tế chỉ cung ứng một lượng vốn nhất định, DN muốn có được nguồn vốn phải cạnh tranh với Chính phủ, tức là phải tăng lãi suất vay cao hơn. Điều này gây khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với áp lực tăng lãi suất, theo TS. Nguyễn Đức Thành, DN còn chịu gánh nặng về chi phí vốn, chi phí lao động do phải thực hiện điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động lên cao hơn nhiều so với trước theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu nhưng đồng thời DN sẽ chịu nhiều sức ép. Trước sức ép này, không ít DN đã “lách luật” bằng cách ký hợp đồng lao động ngắn hạn với người lao động để không phải đóng bảo hiểm xã hội và như vậy cả nền kinh tế có nguy cơ chuyển dần từ dài hạn về ngắn hạn, dẫn đến những rủi ro trên thị trường vốn và thị trường lao động. Nguồn cơn của thực trạng này đều bắt nguồn từ thâm hụt ngân sách.

Không chỉ ảnh hưởng tới thị trường vốn, thị trường lao động, nhiều chuyên gia kinh tế còn quan ngại thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và áp lực trả nợ tăng sẽ đẩy lạm phát tăng cao trong năm nay. TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế, nêu quan điểm: Ngoài yếu tố giá cả, mất cân đối thu chi ngân sách cũng là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát có thể gia tăng trong năm nay bởi để bù đắp thâm hụt ngân sách, Nhà nước phải sử dụng nhiều công cụ điều chỉnh, trong đó có những công cụ gây ra lạm phát.

Một vấn đề đáng quan tâm của kinh tế Việt Nam được ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo đó là nợ ngắn hạn trong nước tới hạn trả chiếm tỷ trọng lớn tạo áp lực cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn đối với ngân sách của Việt Nam. “Khi áp lực trả nợ gốc và lãi tăng lên, không gian cho chính sách tài khóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp, làm ảnh hưởng tới các khoản chi cho đầu tư phát triển, chi cho phúc lợi xã hội, giáo dục và y tế. Bởi vậy, Chính phủ cần có kế hoạch giảm tỷ lệ bội chi trong trung hạn, khắc phục tình trạng thâm hụt cán cân ngân sách” - ông Sandeep Mahajan khuyến nghị.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Dai dẳng nỗi lo thâm hụt ngân sách