Kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Lào Cai: Cần chấn chỉnh kịp thời những bất cập trong chi đầu tư phát triển

(BKTO) - Thực hiện kiểm toán đánh giá về chi đầu tư phát triển của tỉnh Lào Cai trong khuôn khổ cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020, kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc xây dựng, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công, quản lý vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản… của tỉnh Lào Cai và các địa phương trong tỉnh.




Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của tỉnh Lào Cai chưa đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ. Ảnh sưu tầm​


Nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn là vấn đề nhức nhối

Trong xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công, việc tổng hợp nhu cầu đối với nguồn cân đối ngân sách địa phương không chi tiết cho từng dự án, chỉ có số tổng các nguồn vốn, do đó, không thể xác định được việc xây dựng phương án phân bổ kế hoạch có đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc, theo thứ tự ưu tiên như quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 hay không.

Đối với công tác phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, tỉnh Lào Cai chưa ưu tiên bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án quyết toán, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020, gồm 713 dự án, công trình quyết toán số tiền 142.586 triệu đồng và 289 dự án, công trình hoàn thành chờ quyết toán số tiền 318.420 triệu đồng. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn nợ 161 dự án, công trình chuyển tiếp với số nợ đọng 133.897 triệu đồng và nợ 162 dự án, công trình khởi công mới trong năm 2020 với số nợ đọng là 24.785 triệu đồng. Như vậy, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2020 của tỉnh Lào Cai là 620.688 triệu đồng.

KTNN kết luận, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của địa phương chưa đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015. Địa phương cũng chưa bố trí đủ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Đến thời điểm kiểm toán, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại sau khi đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2021 là 322.353 triệu đồng, trong đó vốn còn thiếu của các dự án quyết toán số tiền 47.314 triệu đồng và vốn còn thiếu của các dự án hoàn thành chờ quyết toán số tiền 224.703 triệu đồng.

Khi phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công cho một số dự án, tỉnh đã phân bổ vốn không đảm bảo thời gian (nhóm C quá 3 năm) và chưa bố trí theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được duyệt. Một số dự án nguồn vốn ngân sách tỉnh chưa bố trí đủ vốn đối ứng ODA, trong khi đó, có dự án lại được bố trí thừa vốn đối ứng. Cùng với đó là tình trạng phân bổ vốn chưa phù hợp với khả năng giải ngân thực tế của một số dự án dẫn tới cuối năm phải điều chỉnh. Nguyên nhân là do các dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể ký kết hiệp định vay vốn, dẫn tới không giải ngân được vốn vay nên phải điều chỉnh dự án cho phù hợp.

Quản lý chi đầu tư phát triển của cấp huyện chưa hiệu quả

Liên quan đến công tác lập, giao kế hoạch vốn đầu tư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, KTNN chỉ rõ, việc bố trí vốn cho từng dự án chưa sát với thực tế: Tại huyện Bảo Yên còn 2 dự án được bố trí vốn nhưng có tỷ lệ giải ngân rất thấp; tại thị xã Sa Pa còn 4 công trình có kế hoạch vốn nhưng không giải ngân giá trị 1.800 triệu đồng và một số dự án được bố trí vốn trong năm nhưng tỷ lệ giải ngân thấp; tại huyện Bảo Thắng có 2 công trình phân bổ vốn chưa phù hợp với khả năng thực hiện dẫn đến cuối năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn.

Cùng với đó, công tác giao kế hoạch vốn đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện chưa ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án quyết toán, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Cụ thể, tại huyện Bảo Yên còn 49 dự án hoàn thành còn nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng không được bố trí kế hoạch vốn trong năm với số nợ 3.455 triệu đồng. Tại thị xã Sa Pa còn 4 dự án đã hoàn thành trước năm 2020 có nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng không được bố trí kế hoạch vốn trong năm với số nợ 1.585 triệu đồng, trong khi đó lại khởi công mới 115 dự án với số vốn đã bố trí trong năm 2020 là 43.595 triệu đồng. Tương tự, tại huyện Bảo Thắng còn 16 dự án đã hoàn thành trước năm 2020 có nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng không được bố trí kế hoạch vốn trong năm với số nợ 7.080 triệu đồng, trong khi đó vẫn khởi công mới 139 dự án với số vốn đã bố trí trong năm 2020 là 98.321 triệu đồng.

Bên cạnh những bất cập trên, KTNN cũng nêu rõ, việc lập, trình thẩm định phê duyệt một số dự án tại huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn… đã được thực hiện khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa sát với điều kiện thực tế dẫn đến quá trình thực hiện còn phải điều chỉnh; thời gian thẩm định dự án còn chậm. Công tác khảo sát, thiết kế còn hạn chế dẫn đến quá trình thực hiện phải điều chỉnh cho phù hợp; dự toán lập còn sai sót như tính toán sai khối lượng một số công việc so với thiết kế được duyệt, áp dụng định mức chưa phù hợp, tính sai chi phí tư vấn… Qua kiểm toán đã phải giảm trừ những chi phí đầu tư bất hợp lý.

Công tác nghiệm thu, thanh toán còn sai sót về khối lượng 3.545 triệu đồng; sai sót về đơn giá, định mức 24,4 triệu đồng. Kết quả kiểm toán chi tiết tại 38 dự án của 10 chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh cho thấy, số báo cáo chi phí đầu tư là 1.856,1 tỷ đồng, số báo cáo được kiểm toán là 1.760 tỷ đồng, số kiểm toán được xác nhận là 1.734,5 tỷ đồng, chênh lệch gần 25,5 tỷ đồng.

Đến thời điểm kiểm toán, còn 14 dự án hoàn thành chậm lập, nộp báo cáo quyết toán dưới 24 tháng. Các đơn vị được giao quản lý dự án chưa thực hiện tổng hợp lập, gửi báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo niên độ ngân sách. Còn 5 công trình đã quá thời hạn thu hồi tạm ứng theo quy định với số tiền hơn 8,6 tỷ đồng. Theo kiến nghị của KTNN, Kho bạc Nhà nước đã có văn bản đôn đốc nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện thu hồi.
Trước những bất cập này, KTNN đã kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục các bất cập, sai sót. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chi đầu tư phát triển của tỉnh, cũng như của từng địa phương trong tỉnh./.
         

Theo kết quả kiểm toán, lũy kế vốn ứng trước cho chi đầu tư xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2020 của tỉnh Lào Cai còn 849.469 triệu đồng chưa được bố trí kế hoạch vốn để thu hồi, gồm ứng trước ngân sách trung ương 767.983 triệu đồng (đến thời điểm kiểm toán còn 564.766 triệu đồng); ứng trước nguồn ngân sách tỉnh 77.551 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện ứng trước dự toán ngân sách tỉnh năm 2020 số tiền 42.000 triệu đồng là chưa phù hợp với điều kiện được ứng trước dự toán năm sau quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.
Cùng chuyên mục
Kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Lào Cai: Cần chấn chỉnh kịp thời những bất cập trong chi đầu tư phát triển