Kiểm toán nhà nước chỉ ra một số hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách tại Điện Biên

Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 và việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2023 của Điên Biên còn một số hạn chế.

Kết quả thực hiện quản lý, chỉ đạo, điều hành dự toán ngân sách

Cụ thể, năm 2023, năm thứ hai thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025, tỉnh Điện Biên có nhiều cố gắng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành dự toán NSNN năm 2023, đã ban hành Quyết định số 106/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 quy định về quản lý, điều hành ngân sách địa phương năm 2023 và tổ chức quản lý, điều hành ngân sách. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2023 tại tỉnh Điện Biên đã tuân thủ và thực hiện theo nguyên tắc, quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

dien-bien-4.jpg
Một góc Thành phố Điện Biên Phủ

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 và việc quản lý, sử dụng kinh phí BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2023 còn một số hạn chế. Cụ thể, đối với công tác lập, phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương năm 2023:

Công tác dự toán thu NSNN năm 2023 của địa phương và của 04/05 huyện được kiểm toán chi tiết lập chưa bao quát hết nguồn thu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 của Bộ Tài chính.

Công tác chi đầu tư, UBND tỉnh Điện Biên quyết định phê duyệt thời gian bố trí vốn đầu tư ngân sách địa phương cho một số dự án (15 dự án nhóm C với thời gian 04 năm, 03 dự án nhóm B với thời gian 6 năm) chưa phù hợp theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của UBND tỉnh Điện Biên tại một số dự án chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án dẫn đến sau điều chỉnh vẫn có tỷ lệ giải ngân bằng 0%; nguồn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) còn dư, phải nộp trả NSTW theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 là 40,621 tỷ đồng.

Công tác phân bổ nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội: UBND tỉnh Điện Biên phân bổ 186 tỷ đồng (100% kế hoạch vốn Chương tình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) cho 03 dự án, nhưng đến hết năm 2023 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 45,4% kế hoạch vốn được giao, chưa đảm bảo theo quy định tại tiết đ điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15. Nguyên nhân, do đến tháng 12/2023 mới được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn tại Quyết định số 1738/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

Đối với công tác chi thường xuyên, trước ngày 31/12/2023, UBND tỉnh Điện Biên chưa báo cáo HĐND tỉnh về tình hình phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra việc chấp hành ngân sách còn một số tồn tại. Cụ thể, còn 80 tỷ đồng vốn ứng trước dự toán NSTW chưa được bố trí vốn để thu hồi; năm 2023, UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục ứng trước dự toán ngân sách địa phương cho UBND thành phố Điện Biên Phủ để thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m (số tiền 50 tỷ đồng) trong khi chưa thu hồi hết vốn ứng trước từ các năm trước.

Vẫn còn có nợ đọng xây dựng cơ bản

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, địa phương không còn nợ đọng và không phát sinh nợ đọng trong năm 2023. Tuy nhiên, qua kiểm toán, đến thời điểm phát hành BCKT vẫn còn có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Cụ thể, huyện Nậm Pồ nợ 162 triệu đồng (đã kiến nghị tại BCKT quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Điện Biên); huyện Điện Biên Đông nợ 7,504 tỷ đồng (nợ phát sinh trong năm 2023 và đến tháng 5/2024 ngân sách tỉnh còn nợ 2,419 tỷ đồng); huyện Tủa Chùa nợ 803 triệu đồng (nợ phát sinh trong năm 2023 và đến tháng 5/2024 ngân sách huyện chưa được bố trí vốn để trả nợ); UBND thành phố Điện Biên Phủ nợ 60,943 tỷ đồng (ngân sách thành phố nợ 60,939 tỷ đồng, trong đó nợ phát sinh trong năm 2023 là 60,464 tỷ đồng; ngân sách tỉnh nợ 04 triệu đồngvà đến tháng 5/2024 đã bố trí đủ vốn, không còn nợ đọng XDCB); Các dự án đã được phê duyệt quyết toán (kiểm toán tổng hợp tại Sở Tài chính), đến hết năm 2023 vẫn còn có nợ đọng chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành số tiền 932 triệu đồng (trong đó nợ phát sinh trong năm 2023 là 390 triệu đồng).

Kiểm toán chi tiết 39 dự án tại 08 chủ đầu tư cho thấy, công tác quản lý chi phí của các chủ đầu tư còn hạn chế, KTNN đã kiến nghị xử lý 28,987 tỷ đồng, trong đó: sai khối lượng 14,803 tỷ đồng; sai đơn giá, định mức 1,430 tỷ đồng; sai khác 12,754 tỷ đồng.

Chưa đảm bảo tỷ lệ đối ứng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Tỷ lệ bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương năm 2023 thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên chỉ đạt 3,05% (4,176 tỷ đồng/136,977 tỷ đồng) chưa đảm bảo tỷ lệ đối ứng tối thiểu 5% theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 5 Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND tỉnh Điện Biên.

dien-bien-2.jpg
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Kinh phí bổ sung có mục tiêu (bao gồm cả Chương trình Mục tiêu quốc gia) hết nhiệm vụ chi chưa nộp trả NSTW là 66,329 tỷ đồng.

Các khoản kinh phí hết nhiệm vụ trong chi chuyển nguồn chưa nộp trả NSTW là 112,058 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2023 là 14,274 tỷ đồng); UBND huyện Mường Nhé chuyển nguồn đối với kinh phí còn dư hết nhiệm vụ chi 2,148 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí cải cách tiền lương (CCTL) thực hiện năm 2023 tăng so với số báo cáo của Bộ Tài chính thẩm định là 40,314 tỷ đồng. Trong đó, kiểm toán xác định, nguồn còn dư năm trước chuyển sang tăng 18,987 tỷ đồng, tăng 35,4% số thu được để lại 21,327 tỷ đồng. Nhu cầu CCTL giảm hơn so với số thẩm định của Bộ Tài chính là 29,323 tỷ đồng; nguồn CCTL còn dư chuyển năm sau tăng so với số thẩm định của Bộ Tài chính là 69,637 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh giảm 9,450 tỷ đồng, ngân sách huyện tăng 33,423 tỷ đồng, các đơn vị dự toán tăng 45,663 tỷ đồng). Trong đó, dư nguồn ngân sách cấp 29,950 tỷ đồng và dư nguồn thu không điều hòa 39,687 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra, Sở Tài chính chưa chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành cấp tỉnh, Văn phòng tỉnh ủy, UBND cấp huyện, doanh nghiệp thuộc tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên lập phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.

UBND tỉnh Điện Biên (là cơ quan chủ quản, chủ dự án) chưa ban hành quy chế quản lý và sử dụng vốn viện trợ trong nội bộ các cơ quan theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ.

UBND tỉnh Điện Biên chưa ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ, cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công trong hoạt động khuyến nông theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

Việc quản lý các khoản tạm ứng của ngân sách địa phương

Kinh phí tạm ứng ngân sách năm 2023 của UBND tỉnh Điện Biên cho UBND thành phố Điện Biên Phủ là 61 tỷ đồng, tuy nhiên, đến hết năm 2023, chưa hoàn trả theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật NSNN số 83/2015/QH15.

Tại các huyện được kiểm toán chi tiết, việc xác định nhu cầu thực tế kinh phí CCTL và xác định nguồn CCTL còn chưa chính xác. KTNN đã kiến nghị Giảm trừ dự toán năm sau đối với nguồn kinh phí CCTL số tiền 2, 192 tỷ đồng.

Chậm ban hành chính sách: Đến tháng 5/2024, UBND tỉnh Điện Biên chưa ban hành hướng dẫn quy trình thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ.

KTNN ghi nhận số vốn còn dư Chuyên đề kinh phí BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2023

Nguồn vốn còn dư không được chuyển nguồn, chưa nộp trả NSTW theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 tại Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên là 203,588 tỷ đồng. Trong đó, vốn NSTW năm 2023 là 14,273 tỷ đồng; vốn ODA là 189,315 tỷ đồng (thực hiện giải ngân theo hình thức ghi thu, ghi chi nên KTNN ghi nhận số vốn còn dư).

dien-bien-5.jpg

Việc xây dựng văn bản, tổng hợp theo dõi và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, chiến lược, đề án về BVMT và ứng phó với BĐKH

Sở Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo cung cấp thông tin, số liệu phục vụ xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 (Công văn số 1493/STNMT-MT ngày 22/10/2021) chậm 04 tháng so với thời gian quy định tại Công văn số 1182/BTNMT-TCMT ngày 15/3/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc báo cáo và cung cấp thông tin, số liệu xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 và chưa tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung bộ đơn giá hoạt động quan trắc và phân tích môi trường cho phù hợp với quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường, Thông tư số 20/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường.

UBND huyện Nậm Pồ và UBND thành phố Điện Biên Phủ chưa xây dựng và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Kế hoạch số 3386/KH-UBND ngày 08/10/2021 của UBND tỉnh Điện Biên, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành Y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến 2050 theo quy định tại Kế hoạch số 2333/KH-UBND ngày 08/8/2019 của UBND tỉnh Điện Biên.

UBND huyện Nậm Pồ, UBND huyện Tủa Chùa và UBND thành phố Điện Biên Phủ chưa xây dựng Kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa theo quy định (thực hiện hằng năm, bắt đầu từ năm 2021) tại Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 27/01/2021 và Kế hoạch ứng phó với BĐKH theo quy định tại Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 07/10/2020 của UBND tỉnh Điện Biên.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính

Từ những tồn tại trong công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 và việc quản lý, sử dụng kinh phí BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2023 của tỉnh Điện Biên, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính đối với ngân sách địa phương năm 2023 hơn 158,758 tỷ đồng (thu hồi, nộp NSNN các khoản chi sai quy định hơn 838 triệu đồng; thu hồi nộp trả kinh phí thừa hơn 112,058 tỷ đồng; giảm dự toán, giảm thanh toán năm sau hơn 44,991 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác hơn 871 triệu đồng); (ii) Đối với Chuyên đề kinh phí BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2023: hơn 14,273 tỷ đồng (thu hồi nộp trả kinh phí thừa).

KTNN cũng nêu kiến nghị khác đối với Ngân sách địa phương năm 2023 của tỉnh Điện Biên như: UBND thành phố Điện Biên Phủ báo cáo UBND tỉnh Điện Biên xem xét, thu hồi 61 tỷ đồng đã tạm ứng cho ngân sách thành phố thực hiện Dự án xây dựng cầu Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Đối với Chủ đầu tư: Rà soát giảm trừ dự toán hơn 508 triệu đồng của Dự án đầu tư bổ sung đoạn tuyến Đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu Tái định cư Noong Bua vào Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Vành đai II (nối tiếp khu Tái định cư Noong Bua thành phố Điện Biên Phủ với khu Tái định cư Pú Tửu thị trấn huyện Điện Biên); (ii) Rà soát, điều chỉnh giá trị hợp đồng còn lại của các dự án đầu tư, số tiền hơn 17.3 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước đề nghị UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. UBND tỉnh Điện Biên chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc ứng trước dự toán năm sau nguồn ngân sách địa phương khi chưa thu hồi hết vốn ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật NSNN và điểm 1 Điều 37 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.

UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục báo cáo Bộ, ngành Trung ương bố trí thu hồi vốn ứng trước dự toán năm sau của NSTW (Dự án Đường Mường Lay - Nậm Nhùn) chưa thu hồi 80 tỷ đồng.

UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản: Ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ trong nội bộ các cơ quan theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020; Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ, cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công trong hoạt động khuyến nông theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021; Rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công do UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ.

Cục Thuế tỉnh Điện Biên và UBND thành phố Điện Biên Phủ và UBND các huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tồn tại trong việc xây dựng dự toán thu NSNN chưa bao quát hết nguồn thu.

Sở Tài chính tỉnh Điện Biên chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tồn tại trong việc chưa tham mưu để UBND báo cáo HĐND tỉnh về tình hình phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và bố trí dự phòng chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; Chưa chủ trì phối hợp với các đơn vị để tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên lập phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại trong công tác lập và tham mưu cho UBND Tỉnh giao, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư chưa đúng quy định về thời gian bố trí vốn, chưa sát tiến độ thực tế dẫn đến phải điều chỉnh; công tác theo dõi và kiến nghị để xử lý nợ đọng XDCB chưa đầy đủ; tham mưu cho UBND Tỉnh bố trí vốn đối ứng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 5%; Tham mưu cho UBND Tỉnh bố trí vốn đối ứng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh Điện Biên.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị đối với Chuyên đề kinh phí BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2023.

Sở Tài nguyên và Môi trường chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại trong việc lập báo cáo cung cấp thông tin, số liệu phục vụ xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 chậm; chưa tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung bộ đơn giá hoạt động quan trắc và phân tích môi trường cho phù hợp với quy định; Thực hiện tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung bộ đơn giá hoạt động quan trắc và phân tích môi trường cho phù hợp với quy định hiện hành.

UBND huyện Nậm Pồ, UBND thành phố Điện Biên Phủ xây dựng và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành Y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến 2050.

UBND huyện Tủa Chùa, UBND huyện Nậm Pồ và UBND thành phố Điện Biên Phủ xây dựng và ban hành Kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa và Kế hoạch ứng phó với BĐKH của huyện.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể cá nhân có liên quan.

UBND tỉnh Điện Biên tổ chức rà soát xác định rõ nguyên nhân và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể (nếu có sai sót) trong việc phân bổ vốn cho 03 dự án thuộc nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế xã hội nhưng giải ngân chỉ đạt 45,4%, chưa đảm bảo theo quy định tại tiết đ điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.

Đối với HĐND tỉnh Điện Biên, căn cứ kết quả kiểm toán do KTNN phát hiện và kiến nghị, xem xét để phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của tỉnh Điện Biên theo quy định tại khoản 8 Điều 65 Luật NSNN. Giám sát việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước chỉ ra một số hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách tại Điện Biên