Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc, về phía KTNN có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cùng đại diện một số đơn vị chức năng của KTNN.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: NGHĨA ĐỨC |
Báo cáo của KTNN về tình hình thực hiện pháp luật về NSNN năm 2021 và 9 tháng năm 2022 có liên quan trong các lĩnh vực văn hóa - giáo dục; văn hóa - thể thao - du lịch; thông tin - truyền thông; tín ngưỡng - tôn giáo - thanh niên - trẻ em, cho biết, năm 2021, KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2020 của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh; Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2015-2020 và công tác quản lý đầu tư các dự án, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong 9 tháng năm 2022, KTNN cũng đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2021 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Kết quả kiểm toán cho thấy, một số địa phương giao dự toán cho ngành giáo dục chưa đảm bảo tỷ lệ chi cho con người và chi hoạt động theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; bố trí thêm định suất lao động tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục ngoài chỉ tiêu biên chế được Bộ Nội vụ giao, chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; lập dự toán chưa thuyết minh chi tiết cơ sở kèm theo.
Công tác mua sắm, sửa chữa tài sản tại một số đơn vị chưa đảm bảo quy định; chưa có phương án xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, cho mượn, tranh chấp; chưa theo dõi chặt chẽ tài sản đã đưa vào sử dụng nhiều năm…
Trong chi đầu tư xây dựng cơ bản, tại một số dự án, công tác lập, duyệt thiết kế - dự toán còn hạn chế như thời gian thiết kế thi công, lập dự toán và phê duyệt tổng dự toán chậm, thiếu thuyết minh; thiết kế - dự toán chưa phù hợp thực tế phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện…
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra tình trạng thu học phí vượt quy định; nợ đọng học phí lớn. Trong công tác đào tạo, một số ngành tuyển vượt chỉ tiêu đăng ký; một số đơn vị tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao, trong khi một số ngành tỷ lệ tuyển sinh thấp…
Trong lĩnh vực thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, công tác dự toán và chấp hành quy định trong quản lý, sử dụng NSNN cũng có nhiều tồn tại. Trong đầu tư xây dựng cơ bản, việc ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn còn áp dụng những văn bản đã hết hiệu lực, chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung làm căn cứ thực hiện; công tác quyết toán dự án hoàn thành tại một số dự án còn chậm so với quy định; nợ đọng xây dựng còn lớn…
Bên cạnh đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của một số dự án thuộc lĩnh vực thông tin - truyền thông còn chưa sát thực tế; sử dụng công trình chưa hiệu quả, chưa đúng với mục đích đầu tư; công tác nghiệm thu thanh toán của một số dự án còn sai sót về số lượng, chưa đầy đủ thủ tục...
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách đối với các đơn vị.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGHĨA ĐỨC |
Tại buổi làm việc, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao Báo cáo của KTNN. Báo cáo đã nêu được thực trạng tình hình chi tiêu NSNN, đặc biệt là ngân sách chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và một số vấn đề quan trọng về biên chế, hợp đồng lao động… của những cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá, nội dung của Báo cáo đã đề cập tới các chỉ tiêu NSNN dành cho giáo dục - đào tạo; vấn đề tài chính, tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập và việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị này; những tồn tại, hạn chế trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính; đánh giá hiệu quả sử dụng NSNN; kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, đơn vị…
“Báo cáo của KTNN đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Thường trực Ủy ban và các đại biểu Quốc hội để làm việc với các Bộ, ngành về việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách” - ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, thời gian tới, KTNN thường xuyên cập nhật thông tin, gửi Báo cáo kiểm toán hàng năm và Báo cáo kết quả kiểm toán tại các đơn vị thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, phục vụ cho công tác thẩm tra và giám sát của Ủy ban.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị KTNN có kế hoạch kiểm toán một số chương trình, đề án thuộc các lĩnh vực Ủy ban theo dõi; trong đó có việc thực hiện các chính sách hỗ trợ từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đối với lĩnh vực du lịch; việc sử dụng kinh phí cho chuyển đổi số trong giáo dục, chương trình Máy tính cho em...
Tại buổi làm việc, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh và đại diện một số đơn vị chức năng của KTNN đã làm rõ thêm một số vấn đề mà Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục quan tâm.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, các đề xuất, kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ được KTNN xem xét, đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2023; đồng thời, KTNN sẵn sàng cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho hoạt động của Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: NGHĨA ĐỨC |
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao Báo cáo của KTNN; khẳng định kết quả làm việc với KTNN sẽ góp phần giúp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có thêm những thông tin hữu ích làm cơ sở phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế thẩm tra các nội dung liên quan đến kinh tế, xã hội.
Để tăng tính toàn diện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị KTNN bổ sung vào Báo cáo những thông tin, đánh giá tổng kết về các vấn đề thuộc lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách. Đồng thời, đề nghị Vụ Văn hóa, Giáo dục nghiên cứu kỹ lưỡng Báo cáo của KTNN; chủ động trao đổi với KTNN những nội dung, thông tin cần làm rõ...