Thưa ông, là một chuyên gia am hiểu và có sự quan tâm nhất định tới kiểm toán, ông có suy nghĩ gì về ngành KTNN cũng như nghề kiểm toán nói chung?
KTNN nói riêng và nghề kiểm toán nói chung là một ngành nghề được hình thành ở Việt Nam từ sau công cuộc đổi mới. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp, chúng ta quan niệm, các hoạt động sử dụng NSNN hoặc các hoạt động hạch toán trong DN đều minh bạch, không cần phải có cơ quan kiểm tra, giám sát. Nhưng trong quá trình đổi mới, khi chuyển sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì việc kiểm tra, giám sát sau chi tiêu các dịch vụ công trong hoạt động của các cơ quan nhà nước khi sử dụng tiền thuế của dân là rất cần thiết.
Ở Việt Nam, kiểm toán nói chung và KTNN nói riêng là sản phẩm của quá trình đổi mới. Vì vậy, kiểm toán là một bộ phận tất yếu, là công cụ giúp cho việc điều hành và sử dụng tài chính công ngày càng hiệu quả, công khai và minh bạch.
Có thể nói, với vai trò và vị trí như trên, kiểm toán thường xuyên các hoạt động thu, chi của Nhà nước đối với nền tài chính công là một điều bắt buộc. Qua kết quả kiểm toán hằng năm tại các đơn vị sử dụng tài chính công, chúng ta đã phát hiện ra nhiều bất cập trong chi tiêu, đặc biệt là bất cập trong các cơ chế, chính sách làm căn cứ cho các đơn vị thực hiện chi từ NSNN, gây lãng phí, kém hiệu quả. Đơn cử, chỉ riêng trong lĩnh vực BOT, các văn bản pháp quy đã quy định: kết quả kiểm toán của KTNN đối với tổng mức đầu tư của dự án là cơ sở để tính thời gian và mức phí, qua đó đã nêu rõ tầm quan trọng của kiểm toán trong quá trình điều hành nền kinh tế.
Là lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của KTNN đối với Quốc hội nói riêng và nền kinh tế nói chung trong 25 năm qua?
Chúng ta thấy, trong 25 năm hoạt động, KTNN đã trở thành công cụ trong giám sát và điều hành nền tài chính công của đất nước. Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm của KTNN là một báo cáo quan trọng, giúp các cơ quan của Quốc hội thực hiện việc giám sát và ban hành chính sách tài chính quốc gia. Đây chính là tài liệu quan trọng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá việc điều hành ngân sách của Chính phủ. Điển hình, bên cạnh nêu ra các ưu điểm, Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế mà Chính phủ cần giải trình trước Quốc hội và các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, trong điều kiện NSNN còn eo hẹp, việc Chính phủ chuyển nguồn hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách hằng năm sang năm kế hoạch tài chính tiếp sau đã chỉ rõ những yếu kém cần phải khắc phục trong điều hành ngân sách. Việc chuyển nguồn này còn nhiều hơn tổng vốn mà NSNN dành cho đầu tư phát triển trong khi chúng ta vẫn phải phát hành trái phiếu chính phủ để phục vụ đầu tư công.
Có thể khẳng định, KTNN đã có những đóng góp quan trọng, giúp Quốc hội có những quyết sách về nền tài chính công theo hiến định. Bởi vậy, mối quan hệ giữa các Uỷ ban của Quốc hội, đặc biệt là Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính ngân sách với KTNN là mối quan hệ gắn bó, cùng phát triển.
Với vai trò là đại biểu Quốc hội, theo ông, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm của KTNN nên có sự thay đổi như thế nào để đáp ứng tốt hơn nữa mong mỏi của cử tri và nhân dân?
Với vai trò là đại biểu Quốc hội, tôi đánh giá cao chất lượng của Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm của KTNN. Tuy nhiên, do độ trễ về thời gian nên đến kỳ họp tháng 5/2019, Quốc hội mới xem xét và thông qua quyết toán NSNN năm 2017. Chính vì vậy, các kiến nghị của KTNN trong kiểm toán quyết toán ngân sách hằng năm đều bị chậm và khó khắc phục. Nếu có thể được, KTNN cần nghiên cứu bổ sung các điều luật, kiến nghị các chế tài để xử lý các vi phạm về thực hiện NSNN ngay trong Luật KTNN (sửa đổi) mà KTNN đang trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng10/2019). Chỉ có như vậy, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm của KTNN mới khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống hoạt động của cơ quan dân cử.
Trong thời gian tới, để có thể phát huy tốt nhất vai trò và trách nhiệm là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất do Quốc hội thành lập, theo ông, KTNN nên tập trung vào những vấn đề gì?
Trong thời gian tới, để phát huy vai trò là một công cụ của Quốc hội trong điều hành vĩ mô, KTNN cần chủ động xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm, tập trung vào một số lĩnh vực: Thứ nhất, kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN đối với trụ sở của các cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN như: cục thuế, cục hải quan, kho bạc nhà nước… ở các địa phương. Thứ hai, KTNN tập trung kiểm toán việc đầu tư của các DNNN để đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với nguyên tắc vận hành của nền kinh tế thị trường.
Theo tôi, đây là hai lĩnh vực rất quan trọng mà KTNN cần phải tập trung cho đến hết kế hoạch 5 năm (2021-2025). Vì đây là giai đoạn bản lề để thực hiện Chiến lược phát triển 10 năm (2021-2030), định hình ra mô hình một nước Việt Nam mới. Bởi vậy, Nhà nước phải sử dụng có hiệu quả nguồn lực hiện có để đóng góp vào quá trình này cùng với kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Trân trọng cảm ơn ông!
XUÂN HỒNG (thực hiện)