Kiểm toán nhà nước đang thực hiện kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Chiều 17/7, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn.​

z4524348897721-8c936a16fa90d23990f64507aaf5d365-8896.jpg
Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Ảnh: TS

Thông tin đến Đoàn giám sát, lãnh đạo huyện cho biết: Huyện có 14 xã, thị trấn với 109 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó có 41 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn huyện có 26 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 55,1%. 

Về công tác quản lý, điều hành các Chương trình MTQG thời gian qua trên địa bàn được thực hiện thống nhất, đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân. 

Các chương trình MTQG đã góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội. 

Đến cuối năm 2022, toàn huyện Chư Păh còn 1.842 hộ nghèo, chiếm 9,84% (trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 1.742 hộ); 3.260 hộ cận nghèo, chiếm 15,83% (trong đó cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 2.715 hộ)

Về tổng kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là trên 167 tỷ đồng (ngân sách Trung ương gần 163 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1,331 tỷ đồng, dự phòng ngân sách huyện 2,947 tỷ đồng). Tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 của huyện là 60,894 tỷ đồng; đến nay chưa giải ngân vì nguồn vốn mới giao. 

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND huyện đã nêu rõ các khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện các chương trình. Riêng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì việc lập các thủ tục hồ sơ thiết kế, dự toán, phê duyệt dự toán, thủ tục thanh quyết toán về nội dung nhà ở theo đầu tư công phức tạp, khó thực hiện; kinh phí phân cấp không thể đáp ứng đủ với mức chi thực tế...

Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế việc triển khai thực hiện chương trình MTQG, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ tổng hợp, từ đó có cơ sở để báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ để việc triển khai thực hiện các chương kịp thời, hiệu quả, toàn diện, đúng đối tượng thụ hưởng.

dsc_0252.jpg
Cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số là mục tiêu quan trọng của các chương trình MTQG. Ảnh: N.Lộc

Trước đó, thông tin về tình hình triển khai chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, xác định vai trò quan trọng của chương trình trong việc góp phần nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, việc triển khai chương trình được tỉnh chú trọng. 

Tuy nhiên, kết quả giải ngân các chương trình chưa cao, còn nhiều dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân: cơ chế chính sách còn vướng các quy định về đơn vị lập hồ sơ đề xuất, quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, giấy phép môi trường…

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG chậm, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã quan tâm và lựa chọn chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về các nội dung có liên quan, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện các chương trình; đồng thời sẽ tiến hành giám sát đối với vấn đề này. Hiện, Kiểm toán nhà nước đang thực hiện kiểm toán các chương trình MTQG, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội. 

Theo đó, một số mục tiêu được đặt ra qua kiểm toán là đánh giá tính tuân thủ pháp luật; đánh giá công tác quản lý chỉ đạo điều hành của các đơn vị tham gia quản lý chương trình; kiến nghị chấn chỉnh những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, điều hành; đánh giá tình hình thực hiện nội dung, mục tiêu, tiến độ thực hiện chương trình; kiến nghị với đơn vị được kiểm toán khắc phục những sai phạm, yếu kém trong hoạt động quản lý; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, chế độ cho phù hợp../.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước đang thực hiện kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia