Tạo nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện công tác dân tộc

(BKTO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh tại buổi làm việc với Học viện Dân tộc về việc thực hiện Chiến lược đào tạo công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025.

15293572_dsc_7244_23-07-10.jpg
Làm việc với Học viện Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh yêu cầu cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác dân tộc. Ảnh: UBDT

Theo báo cáo của Học viện Dân tộc, Chiến lược đào tạo công tác dân tộc giai đoạn 2022-2025 tập trung vào các nội dung trọng tâm: Đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ; bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức.

Kết quả, giai đoạn 2022-2023, Học viện đã mở 01 mã ngành trình độ đại học (ngành Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số); đã lập Đề án mở 04 ngành đào tạo trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.

Học viện cũng đã biên soạn Tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) với 6 chuyên đề giảng dạy.

Trong giai đoạn 2023-2025, Học viện Dân tộc định hướng kế hoạch thực hiện Chiến lược đào tạo công tác dân tộc sẽ tập trung mở thêm 3-4 mã ngành trình độ đại học, 1 ngành trình độ thạc sĩ phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Quy mô tuyển sinh hàng năm từ 50 sinh viên/ngành/năm, 10-15 học viên Cao học/ngành.

Học viện Dân tộc cũng đặt mục tiêu hoàn thiện 20-25 cuốn giáo trình phù hợp với các chuyên ngành đào tạo. Biên soạn mới Chương trình và Tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc nhóm đối tượng 3, đối tượng 4.

Đồng thời tổ chức biên soạn Tài liệu tham khảo của Chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4.

Cùng với đó, đơn vị sẽ tổ chức tập huấn giảng dạy kiến thức dân tộc cho giảng viên, báo cáo viên khoảng 20 lớp/năm; bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3, đối tượng 4 từ 80-100 lớp/năm theo Chương trình MTQG 1719…

Đối với một số nội dung Chuyển đổi số và Cơ sở dữ liệu phục vụ đào tạo giai đoạn 2023-2025, Học viện Dân tộc đã lập dự thảo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tham mưu thực hiện đối với một số dự án.

Chẳng hạn như: Dự án cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng cơ sở dữ liệu Từ điển dân tộc; cơ sở dữ liệu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0; dự án Học liệu số trong bồi dưỡng kiến thức dân tộc và dạy tiếng dân tộc thiểu số…

dsc_0640.jpg
Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cần có trình độ và bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số để đề xuất chính sách cho phù hợp. Ảnh: N.Lộc

Trao đổi tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận các nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo tiếng dân tộc thiểu số; xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đào tạo; nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giảng viên; xây dựng cơ chế liên kết đào tạo với các Trường…

Phó Giám đốc Học viện Dân tộc Lê Thị Bích Thủy cho biết, cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là cán bộ cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất chính sách thông qua việc nắm bắt địa bàn, tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, định hướng đào tạo cần ưu tiên đối tượng này để có hình thức đào tạo phù hợp với đặc thù địa bàn, công việc. 

Nhấn mạnh đến đối tượng cán bộ làm công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh yêu cầu Học viện cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với từng đối tượng; nâng cao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý; từ đó tạo nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện công tác dân tộc. 

Một trong những vấn đề bất cập được chỉ ra và là nguyên nhân khiến cho việc triển khai chương trình chưa đạt hiệu quả, đó là cán bộ làm công tác dân tộc thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế.

Do đó, các ý kiến cho rằng, cần tăng cường bổ sung đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc có trình độ, bám sát địa bàn để tham mưu các chính sách phù hợp áp dụng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi./.

Cùng chuyên mục
Tạo nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện công tác dân tộc