Nhiều nguyên nhân khiến nợ xấu tăng cao
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được là trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Trong đó, nợ của các DN ngoài quốc doanh gần 64%, nợ của các DNNN khoảng 6,3%, nợ của hộ kinh doanh và cá nhân trên 21%, nợ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ...
Nợ xấu tăng cao xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan của nền kinh tế. Về khách quan, cuộc khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Thị trường bất động sản tăng trưởng nóng rồi đóng băng đã làm gia tăng nợ xấu. Chưa kể, tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, điều hành của các DN còn yếu, chưa chú trọng công tác quản trị rủi ro, quy mô nhỏ, thiếu sức cạnh tranh. Hệ thống các quy định pháp lý chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN - là các đối tượng vay vốn.
Về nguyên nhân chủ quan, quy trình tín dụng, quy trình kiểm soát của một số TCTD chưa chặt chẽ, công tác quản trị rủi ro chưa được chú trọng đúng mức. Ý thức đạo đức, tuân thủ nghề nghiệp của các cán bộ ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến những gian lận, thất thoát. Đặc biệt, trong thời kỳ tăng trưởng nóng tín dụng, lĩnh vực cho vay bất động sản còn thiếu thẩm định chặt chẽ nên đã để lại nhiều hậu quả. Chưa kể, năng lực tài chính của một số TCTD chưa thực sự mạnh, các ông chủ ngân hàng còn sử dụng vốn cho các công ty “sân sau” vì động cơ cá nhân. Công tác thanh tra, giám sát chưa phát huy hết vai trò, chức năng.
Quá trình tổng kết, đánh giá Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên còn xuất phát từ những bất cập về khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách. Cụ thể là: quy định về thẩm quyền của NHNN khi xử lý các TCTD yếu kém chưa hoàn thiện và chưa đầy đủ; tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các TCTD yếu kém hết sức khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp; quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập, làm hạn chế tiến độ, hiệu quả trong xử lý nợ xấu.
Giải pháp giảm thiểu rủi ro và xử lý nợ xấu
Từ thực tiễn kiểm toán các ngân hàng, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với NHNN cũng như các TCTD. Đó là:
NHNN cần nghiên cứu trình Chính phủ cho phép Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) sớm thực hiện cổ phần hóa để huy động tăng thêm nguồn vốn chủ sở hữu và thực hiện các giải pháp tăng năng lực quản trị, điều hành theo định hướng của Chính phủ về cổ phần hóa; thực hiện thống kê, báo cáo đúng thực trạng kết quả thực hiện Đề án tại thời điểm kết thúc; lưu ý các nguy cơ và các rủi ro lớn tiềm ẩn để đề xuất với Chính phủ có chỉ đạo về định hướng, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo (tình hình nợ xấu, thực trạng tài chính, lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu...); áp dụng các biện pháp quyết liệt trong việc kiểm soát tình trạng sở hữu chéo và xử lý các vi phạm về sở hữu cổ phần tại các TCTD, đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành; nhanh chóng xây dựng các Đề án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng đã được mua lại với giá 0 đồng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các thiệt hại và sớm đưa các đơn vị này trở lại hoạt động bình thường...
Bên cạnh đó, NHNN cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể tăng vốn điều lệ cho NHTM nhà nước, các NHTM nhà nước nắm cổ phần chi phối theo đúng tinh thần của Đề án Tái cơ cấu các TCTD. Đồng thời, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các TCTD, đảm bảo cảnh báo sớm và ngăn chặn hữu hiệu các hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Khi xây dựng Đề án cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn tiếp theo, NHNN cần định hướng, chỉ đạo các TCTD tập trung vào các nội dung trọng yếu, cấp bách như: xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính và những hạn chế đặc thù của từng TCTD để đề ra các mục tiêu, giải pháp phù hợp...
Đối với các TCTD, các đơn vị này cần thực hiện phân loại đánh giá cụ thể tình trạng dự án tồn đọng nợ, cơ cấu nợ, bán nợ theo các nhóm khách hàng... để xử lý phù hợp; rà soát các khoản nợ xấu, tình hình trích lập dự phòng, đánh giá về giá trị và khả năng phát mại tài sản để thu hồi nợ của tài sản bảo đảm và khả năng thu hồi các khoản nợ xấu, xử lý dứt điểm các khoản nợ đã bán cho VAMC...; củng cố hệ thống tiêu chí xếp hạng tín dụng, tiêu chí chấm điểm khách hàng; tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản trị như: dữ liệu đầu vào, dữ liệu đầu ra, các chốt kiểm soát...; chỉnh sửa và bổ sung hoàn thiện quy trình cho vay, đặc biệt là quy trình cho vay đối với đối tượng khách hàng là các tổ chức kinh tế và cá nhân...
Các TCTD cũng cần nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phân tích đầy đủ các rủi ro, xác định đúng nhu cầu vay, thời hạn vay, đánh giá đầy đủ tính khả thi và hiệu quả của phương án vay vốn. Song song với đó, các TCTD phải chấn chỉnh những bất cập về hồ sơ pháp lý, tăng cường chất lượng công tác kiểm tra sau cho vay, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng theo đúng thực trạng hoạt động kinh doanh.
Khi thực hiện cơ cấu nợ, các TCTD cần đánh giá kỹ các phương án, nhất là tính khả thi của các nguồn trả nợ, đồng thời, thực hiện điều hành lãi suất huy động một cách linh hoạt, đảm bảo cân đối nguồn vốn huy động và cho vay; nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm tăng trưởng dư nợ cho vay, duy trì dư nợ tín dụng đối với dư nợ cho vay các tổ chức, cá nhân khác ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực quản trị.
HOÀNG THẾ LINH (KTNN chuyên ngành VII)
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 04-10-2018