Nhiều hạn chế trong hoạt động KTNB
Theo nghiên cứu của TS. Đào Thanh Bình (Đại học Bách khoa Hà Nội), sức ép tăng trưởng, tái cơ cấu hệ thống, mở rộng thị phần, chi nhánh… khiến bộ phận KTNB tại nhiều ngân hàng chưa phát triển kịp. Đơn cử, giai đoạn 2013-2015, tổng số cán bộ làm công tác KTNB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chỉ bằng 1/3 so với tổng số chi nhánh của 4 ngân hàng này. Chưa kể, đội ngũ KTNB trong các NHTM còn thiếu thâm niên công tác cũng như kinh nghiệm và kỹ năng chuyên sâu. Qua khảo sát tại Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank, chỉ có khoảng 20 - 25% nhân sự KTNB có kinh nghiệm trên 3 năm.
Các NHTM cần đảm bảo hoạt động quản trị rủi ro trong ngân hàng được thông suốt, tránh chồng chéo, gây lãng phíẢnh: TK
Do đội ngũ nhân sự còn hạn chế cả về lượng và chất nên hoạt động KTNB chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà quản trị ngân hàng. Theo quy định tại Thông tư số 44/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), KTNB phải kiểm toán tối thiểu là 3 năm/lần đối với đơn vị có rủi ro thấp và 1 năm/lần với đơn vị có rủi ro cao. Tuy nhiên, bộ phận KTNB của các ngân hàng chưa đảm bảo được yêu cầu này. Thêm nữa, nội dung kiểm toán mới chỉ tập trung vào lĩnh vực tín dụng, kế toán và bán lẻ; trong khi nhiều hoạt động khác cũng đang cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ như: kinh doanh vốn, tài trợ thương mại hay công nghệ thông tin. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những rủi ro, sai phạm trong hoạt động ngân hàng thời gian qua.
Tạo điều kiện cho KTNB phát triển
Thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi các NHTM phải thiết lập môi trường, tạo điều kiện cho bộ phận KTNB phát triển, tăng cường trách nhiệm và hiệu quả hoạt động; đáp ứng yêu cầu mới về quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Để đáp ứng những yêu cầu trên, trước hết, cần “hoàn thiện đội ngũ nhân sự KTNB trong các NHTM Việt Nam. Đội ngũ này phải hội tụ đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết về quản trị rủi ro và hệ thống tiêu chuẩn Basel II (Hiệp ước do Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng thiết lập) để có thể tư vấn cho Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc”- TS. Bùi Thị Minh Hải (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đề xuất.
KTNB vốn được coi là cơ sở nền tảng, điều kiện tiên quyết của quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Do đó, TS. Đào Thanh Bình cho rằng, NHNN cần đồng hành với NHTM để tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý về hoạt động kiểm soát, KTNB, hướng tới xây dựng cơ chế hoạt động KTNB trong các NHTM rõ ràng, minh bạch, có tính hiệu lực cao.
Như vậy, xây dựng và phát triển bộ phận KTNB trong các NHTM trở thành công cụ đắc lực cho các nhà quản trị ngân hàng là yêu cầu tất yếu. “Tuy nhiên, cách thức triển khai và duy trì hiệu quả hoạt động KTNB còn phụ thuộc nhiều vào nguồn lực, môi trường kinh doanh, năng lực quản lý và sự quyết tâm của lãnh đạo các NHTM.”- TS. Đào Thanh Bình nhận định.