Kiểm toán phát hiện nhiều lỗ hổng pháp lý trong cơ chế đầu tư theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao

(BKTO) - PGS.TS Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNNchuyên ngành V - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán



Ông có thể chỉ rõ một số bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến loại hình đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)?

         
   
   Ông Lê Huy Trọng. Ảnh: THU HUYỀN
Trong hành lang pháp lý quy định đối với hình thức hợp đồng BT hiện có Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009, Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015, Quyết định 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 15/8/2015, Thông tư 55/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/5/2016 của Bộ Tài chính (Thông tư 55), các Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT…

Dưới góc độ cá nhân, tôi thấy có một số điểm bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến BT. Chẳng hạn, theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án khác để thu lợi nhuận, nhưng Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy đinh: nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác theo các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 14 và Khoản 3 Điều 43 Nghị định này.

Như vậy, đối với dự án BT, theo quy định phải thanh toán bằng quỹ đất, nhưng qua kiểm toán, thực tế có dự án thanh toán bằng quỹ đất, có dự án thanh toán bằng tiền. Trong dự án BT được thanh toán bằng tiền có cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay, trong khi nguồn vốn của chủ đầu tư rất nhỏ.

Hay một bất cập khác, trong Thông tư 55 của Bộ Tài chính có nói đến lãi suất cho nhà đầu tư, nhưng hiện vẫn chưa có quy định lãi suất cho nhà đầu tư bao nhiêu là phù hợp:

Thứ nhất, đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Thứ 2, đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư: lợi nhuận của nhà đầu tư được dự tính trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo nguyên tắc đảm bảo các chỉ tiêu hiệu quả của dự án và kết quả đàm phán giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng, lợi nhuận của dự án tương tự so với mặt bằng thị trường khu vực dự án và lợi nhuận của các ngành, lĩnh vực khác để làm cơ sở đàm phán với nhà đầu tư.

Thứ 3, trường hợp cần thiết, căn cứ vào tính chất đặc thù của từng ngành, Bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Từ thực tiễn kiểm toán, ông nhận thấy lỗ hổng pháp lý nào là lớn nhất trong cơ chế đầu tư BT có thể dẫn đến tiêu cực, thất thoát?

         
“Các cơ quan nhà nước áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với hầu hết các dự án BT, còn hình thức đấu thầu rộng rãi đã không được thực hiện”
Điều 29 Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định “Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu”. Đây chính là kẽ hở dẫn đến các cơ quan nhà nước áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với hầu hết các dự án BT, còn hình thức đấu thầu rộng rãi đã không được thực hiện. Chính vì chỉ định thầu nên không có cạnh tranh, dẫn đến nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực vẫn có thể tham gia thực hiện dự án. Ở đây, tôi không đề cập đến vấn đề lợi ích nhóm, nhưng rõ ràng là chỉ định thầu có nhiều hạn chế, không có đối thủ cạnh tranh, không biết giá là bao nhiêu, một thị trường mà người bán không có sản phẩm, còn người mua thì không có giá để so sánh.
Hơn nữa, chính chỉ định thầu dẫn đến việc xác định giá trị quỹ đất đổi cho nhà đầu tư cũng không đúng với thực tế giá thị trường. Trong Quyết định 23/2015/QĐ-TTg quy định thanh toán dự án BT bằng quỹ đất và giá tính tiền đất không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện dự án kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, Giá trị Dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán không thay đổi kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định giá trị Dự án BT, giá trị quỹ đất được xác định và thanh toán theo quy định của pháp luật. Trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật của Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT dẫn đến thay đổi giá trị Dự án BT; điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thay đổi diện tích, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng của quỹ đất thanh toán.

Giá trị điều chỉnh được xử lý thanh toán bù trừ tại thời điểm quyết toán Dự án BT hoàn thành theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Đáng lẽ chúng ta phải đưa đất đó ra để đấu giá. Thực tế cho thấy, kết quả đấu giá đất của một số quận, huyện có thể tăng tới 15-20 lần so với giá dự kiến ban đầu. Nhưng hiện nay, quỹ đất đổi cho các dự án BT lại không đấu giá. Trong khi đó toàn là những mảnh đất rất đẹp, vị trí rất đắc địa nhưng được xác định giá rất thấp nên các nhà đầu tư được hưởng lợi từ đó rất nhiều.

Ông có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để hoàn thiện hành lang pháp lý, bịt các lỗ hổng trong cơ chế đầu tư BT để Nhà nước không còn “thiệt đơn, thiệt kép”?

Theo tôi, trong các quy định về đầu tư đối tác công tư (PPP) nên tách riêng quy định về BT, vì BOT là xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, tức là tôi mua sản phẩm để sử dụng thì tôi mới trả tiền, nhưng với dự án BT thì cần phải xác định xem dự án đó có xuất phát từ nhu cầu của người dân hay không, trước khi triển khai cần lấy ý kiến nhân dân. Hiện quy định về BT có vẻ vẫn bị “lép” ở trong các văn bản pháp luật mà Chính phủ ban hành, do đó người ta vẫn có thể “lách” luật.

Quyết định 23/2015/QĐ-TTg quy định thanh toán bằng quỹ đất cho các công trình xây dựng BT. Nhưng hiện có một số dự án gồm 2 hợp phần: 1 hợp phần BOT và 1 hợp phần BT. Đây là vấn đề cần chú ý, tại sao người ta lại làm như vậy? Qua thực tế kiểm toán, việc 1 dự án chia làm 2 hợp phần về nguyên tắc là không đúng, vì có khả năng người ta tính phương án tài chính cho phần giao thông là BOT, còn phần thiết bị lại được hạch toán là BT để thu hồi. Có thực tế đó là do chúng ta chưa quy định rõ BOT là BOT, BT là BT…

Đối với việc xác định giá trị đất đai, do giá đất khi UBND giao đất và không thay đổi trong suốt quá trình đầu tư nên nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận rất lớn sau giá đất tăng. Sau khi địa phương giao đất, có thể 1-2 năm sau đó điều chỉnh nâng giá đất địa phương, đây là kẽ hở cho lợi ích nhóm. Luật Đất đai quy định rất rõ, nhưng trong thực tế kiểm toán, giá đất của địa phương ở ngày cuối của năm nay đã khác so với ngày đầu của năm sau, và mỗi địa phương lại quyết định không giống nhau nên giá đất giữa các địa phương giáp ranh có sự chệnh lệch, nhiều khi dự án của nhà đầu tư được đổi bằng mảnh đất ranh giới giữa các tỉnh sẽ được hưởng lợi rất lớn. Vì thế, nên chăng chúng ta cần phải quy định giá đất theo vùng.

Một số dự án BT mà chúng tôi kiểm toán thì việc chỉ định thầu thực hiện không đúng quy định và địa phương giải thích bằng nhiều lý do. Nhưng theo tôi, chúng ta đã có Luật Đấu thầu, trong đó quy định rõ về chỉ định thầu nên khi thực hiện dự án cần phải tuân thủ, trong trường hợp đặc biệt mới được chỉ định thầu nhưng cũng cần quy định rõ những điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng, phải thực hiện. Tuy nhiên, để lập lại kỷ cương, nên chấm dứt chỉ định thầu.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
Kiểm toán phát hiện nhiều lỗ hổng pháp lý trong cơ chế đầu tư theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao