Kiểm toán sớm, kịp thời kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc cho Dự án cao tốc Bắc - Nam

(BKTO) - Được ví như trục “xương sống” giao thông quốc gia, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Quốc hội, Chính phủ và sự vào cuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN) để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện Dự án. Tại Tọa đàm “Vượt nắng, thắng mưa” đưa cao tốc Bắc - Nam về đích” do Báo Kiểm toán tổ chức, đại diện cơ quan quản lý, KTNN và nhà thầu đã có những chia sẻ thẳng thắn về tình hình triển khai Dự án, cũng như sự tham gia tích cực, trách nhiệm của KTNN.

sua_6.1.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: PV

Vào cuộc từ sớm, từ xa…

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Vũ Duy Bắc - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - cho biết, xác định vai trò quan trọng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, KTNN đã chủ động trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

screenshot-6_2.png
Ông Vũ Duy Bắc - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV

Trong đó, KTNN đã có ý kiến về sự cần thiết đầu tư Dự án; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan; về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng; về thiết kế sơ bộ, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; về tổ chức thực hiện Dự án, tiến độ thực hiện Dự án… KTNN đã góp phần giúp các đơn vị hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Dự án được triển khai sớm hơn…

Xác định đồng hành với quá trình thực hiện Dự án, với ngành giao thông và để kịp thời cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý, ngay từ năm 2023, KTNN đã đưa vào kế hoạch kiểm toán trung hạn, Kế hoạch kiểm toán năm 2024 nội dung kiểm toán đối với các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Năm 2024, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán 11/12 dự án thành phần, năm 2025 sẽ kiểm toán một dự án thành phần còn lại. KTNN tiếp tục xác định những trọng yếu kiểm toán, trong đó song song với kiểm toán xác nhận chi phí đầu tư; đánh giá tuân thủ pháp luật, KTNN sẽ tập trung đánh giá về thực hiện cơ chế đặc thù của Dự án đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận; những thuận lợi, vướng mắc trong áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù; đánh giá chi tiết tiến độ thực hiện các gói thầu, dự án, gắn với những nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng đến tiến độ Dự án… Từ đó, KTNN có những khuyến nghị phù hợp, kịp thời với Quốc hội, với Chính phủ, với các Bộ, địa phương có liên quan, cũng như các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý vốn, đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Nhận diện “điểm nghẽn” - từ góc nhìn kiểm toán

Từ kết quả khảo sát, kiểm toán đối với một số dự án thành phần, ông Vũ Duy Bắc cho biết, một trong những kết quả nổi bật trong triển khai Dự án giai đoạn 2021-2025, đó là các dự án được triển khai với tiến độ nhanh và đảm bảo hơn so với giai đoạn trước. Qua khảo sát và đánh giá bước đầu của đơn vị kiểm toán cho thấy, công tác chuẩn bị Dự án giai đoạn này được thực hiện từ sớm, chủ động hơn, bảo đảm Dự án được triển khai nhanh nhất.

Mong muốn Bộ GTVT, các Ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN để triển khai Dự án tốt hơn, tuân thủ các quy định pháp luật; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói riêng cũng như triển khai các dự án nói chung, bảo đảm nguồn lực đầu tư được sử dụng hiệu quả nhất.

Cũng theo ông Bắc, bên cạnh những kết quả tích cực, qua khảo sát, thu thập thông tin kiểm toán và kết quả kiểm toán bước đầu đối với một số dự án cho thấy, đến nay, tiến độ chung của một số dự án thành phần đang trong thời gian tiến độ được duyệt theo Quyết định đầu tư; nhưng so sánh khối lượng thi công các gói thầu xây lắp thì đang chậm so với tiến độ chi tiết của hợp đồng nhiều tháng.

Liên quan đến việc kiểm toán đánh giá hiệu quả triển khai cơ chế đặc thù, ông Bắc cho hay, qua kết quả kiểm toán một số dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như một số dự án cao tốc khác cho thấy, cơ chế đặc thù đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện Dự án. Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực hiện một số nội dung đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ còn có những khó khăn và bất cập. Nổi cộm là việc xác định vật liệu đắp, giá vật liệu tại mỏ.

“Đơn cử như tại một số dự án thành phần trên địa bàn Tây Nam Bộ, nguồn cát sông của một số địa phương lân cận có mỏ chỉ đủ cấp cho các dự án của địa phương đang triển khai, không cung cấp được cho dự án cao tốc, trong khi đó thủ tục mở các mỏ cát mới mất nhiều thời gian (từ 4 đến 6 tháng) làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ Dự án. Còn tại các dự án thành phần nơi có mỏ vật liệu đắp, nhiều mỏ dự kiến giao cho nhà thầu khai thác hiện đang gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng do chưa thỏa thuận được với người dân về đơn giá bồi thường, khó khăn trong việc xây dựng tuyến đường tiếp cận mỏ - ông Bắc dẫn chứng.

Bên cạnh đó, đến nay, các địa phương chưa xác định được chi phí liên quan đến cấp mỏ cũng như chi phí liên quan đến việc khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù, dẫn đến các ban quản lý dự án chỉ tạm thanh toán theo giá hợp đồng cho nhà thầu và cũng chưa đủ cơ sở để KTNN xác nhận chi phí đầu tư đó. “Chúng tôi rất chia sẻ với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và khó khăn của các nhà thầu khi thi công một dự án lớn, trong điều kiện địa hình nhiều nơi khó khăn, phức tạp, khó khăn về nguyên vật liệu…” - ông Bắc nói.

Với vai trò là nhà thầu tham gia nhiều dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đang thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất cao để hoàn thành Dự án đúng tiến độ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Ngọ Trường Nam cũng mong muốn các cơ quan chức năng, đặc biệt là KTNN cùng đồng hành, giúp tháo gỡ vướng mắc cho Dự án trong quá trình triển khai. “Chúng tôi rất mong cơ quan kiểm toán tiếp tục có những khuyến nghị tổng kết, báo cáo đến các cấp thẩm quyền để kịp thời cập nhật hoặc sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan” - ông Nam đề nghị.

Đồng quan điểm, từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thế Minh - Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT - mong muốn KTNN qua quá trình kiểm toán, ngoài việc chỉ ra những sai sót, bất cập trong quá trình triển khai Dự án để các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời, Bộ cũng mong muốn KTNN đồng hành cùng Bộ GTVT kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ sớm nhất các khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra qua kiểm toán, sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để thuận lợi hơn trong việc triển khai các dự án sau này.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát Quốc hội, KTNN, các cơ quan thông tấn báo chí để cung cấp, phản ánh kịp thời tình hình triển khai các dự án” - ông Minh cho biết./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán sớm, kịp thời kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc cho Dự án cao tốc Bắc - Nam