Một số kiến nghị đáng chú ý trong quản lý tài chính
Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện một số đơn vị đối chiếu nợ chưa đầy đủ; để phát sinh nợ quá hạn, khó thu hồi phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi; trích lập dự phòng không đúng quy định. Công tác lập kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị của một số đơn vị chưa tốt dẫn đến tình trạng tồn kho vượt định mức, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Một số đơn vị tạm xác định nguyên giá tài sản cố định (TSCĐ) hình thành qua đầu tư xây dựng theo giá trị dự toán, tổng mức đầu tư hoặc giá trị hợp đồng chưa sát chi phí thực tế phát sinh, chưa phù hợp với quy định của Chế độ kế toán mà Bộ Tài chính đã ban hành. Qua kiểm toán còn phát hiện tình trạng cùng một loại tài sản nhưng mỗi nhà máy xác định thời gian khấu hao khác nhau, chưa có quy định hoặc hướng dẫn các đơn vị phân loại, xác định thời gian trích khấu hao đối với một số TSCĐ đặc thù, thời gian trích khấu hao các nhà máy điện không đồng nhất…
Kiểm toán tại một đơn vị thuộc EVN- Ảnh: NGỌC BÍCH
KTNN cũng xác định, tại thời điểm 31/12/2017, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của một số đơn vị thuộc EVN vượt 3 lần, tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng tài chính và ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục. Bên cạnh đó, trong quản lý, sử dụng vốn, tiền và tài sản nhà nước năm 2017, các khoản đầu tư của EVN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư thấp, chỉ đạt 0,8%. Ngoài ra, một số khoản đầu tư của các công ty thuộc EVN vào các công ty con chưa hiệu quả, thậm chí có khoản đầu tư đã được thực hiện không phù hợp quy định.
Căn cứ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị EVN chỉ đạo các đơn vị phải hoàn thiện công tác sửa chữa lớn TSCĐ, tập trung vào nội dung: hoàn thiện việc giao kế hoạch chi phí sửa chữa lớn, đảm bảo việc giao kế hoạch dựa trên nhu cầu và thực tế sửa chữa tài sản của các đơn vị; hoàn thiện công tác lập các biên bản đánh giá hiện trạng, đảm bảo các biên bản phải được khảo sát đánh giá chi tiết thực trạng kỹ thuật của thiết bị, có hình ảnh kèm theo chứng minh việc hư hỏng; hoàn thiện công tác nghiệm thu đánh giá chất lượng vật tư thu hồi, đảm bảo khách quan, có cơ sở, bằng chứng.
EVN cũng cần chỉ đạo các đơn vị (EVNGENCO1, EVNNPC và EVNSPC) có biện pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm tình trạng nợ phải thu tồn đọng kéo dài nhằm thu hồi vốn; cũng như làm việc với cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư trong các Trung tâm Điện lực để thu hồi đầy đủ vốn đầu tư các hạng mục dùng chung cho EVNGENCO1&3.
KTNN còn kiến nghị EVN và các đơn vị thành viên điều chỉnh sổ kế toán và Báo cáo tài chính năm 2017 theo kết quả kiểm toán; thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế nhà thầu… và một số khoản khác.
Kiến nghị về một số nội dung, hoạt động liên quan
Đối với các TCT Điện lực, KTNN kiến nghị EVN cần chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý hàng tồn kho, công tác mua sắm tài sản, vật tư, thiết bị, tập trung vào việc xây dựng kế hoạch mua sắm vật tư sát với thực tế tránh tình trạng vật tư bị ứ đọng, chậm luân chuyển; tăng cường kiểm soát định mức vật tư hàng tồn kho tránh lãng phí nguồn vốn của các TCT, đảm bảo mức dự trữ hàng tồn kho sản xuất kinh doanh điện nằm trong mức quy định của các TCT.
Cùng với đó, các TCT Điện lực cần xem xét sửa đổi quy trình ghi chỉ số công tơ, chuyển ngày chốt chỉ số công tơ đối với nhóm khách hàng đã lắp đặt hệ thống công tơ điện tử đo xa và nhóm sử dụng điện sinh hoạt vào những ngày cuối tháng 12 hằng năm nhằm đảm bảo phản ánh đúng doanh thu phù hợp với chi phí và tính toán chính xác tỷ lệ tổn thất điện năng; rà soát lại việc xây dựng định biên lao động phù hợp với lao động thực tế…
Đáng chú ý, EVN cần phải có quy định và hướng dẫn cụ thể, áp dụng thống nhất trong toàn Tập đoàn về việc áp dụng khung khấu hao TSCĐ, đồng thời hướng dẫn việc phân bổ công tơ tại các TCT Điện lực phù hợp với quy định hiện hành và định mức chi phí công tơ Tập đoàn giao cho các đơn vị làm cơ sở xây dựng giá bán buôn điện hằng năm.
Song song với việc rà soát xây dựng lại định mức nhân công sửa chữa lớn tại các nhà máy điện cho phù hợp với thực tế, EVN phải nghiên cứu xây dựng định mức vật tư, chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng định mức chi phí sửa chữa lớn gắn với chỉ tiêu suất sự cố và nghiên cứu điều chỉnh cơ chế nguyên giá TSCĐ cho phù hợp với tình hình thực tế của các TCT Điện lực. EVN cũng cần xây dựng bộ chỉ số tính toán tổn thất điện năng kỹ thuật trên từng cấp điện áp làm cơ sở điều hành giảm tỷ lệ tổn thất điện năng giai đoạn 2016-2020; tính toán sự biến động tổn thất điện năng có độ tin cậy…
Đối với EVNGENCO1 và EVNGENCO3, KTNN yêu cầu EVN chỉ đạo chấn chỉnh những sai sót trong lựa chọn nhà thầu khi mua sắm vật tư, hàng hóa; kiểm tra, rà soát và xử lý sau khi xác định được nguyên nhân suất tiêu hao than thực tế tại các nhà máy điện trực thuộc cao hơn suất tiêu hao than trong Hợp đồng mua bán điện. KTNN cũng kiến nghị 2 đơn vị này phối hợp với EVN đàm phán với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xây dựng tỷ lệ hao hụt, chi phí điều hành giao than đảm bảo có căn cứ phù hợp để làm cơ sở xác định giá mua than cho các nhà máy nhiệt điện…
(Kỳ sau đăng tiếp)
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 22/8/2019