Kiến nghị tháo gỡ rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp công nghệ số

(BKTO) - Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, khung khổ pháp luật hiện hành vẫn còn khá nhiều quy định bất cập, gây vướng mắc cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) công nghệ số, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung.



Theo đó, Hội vừa tập hợp những kiến nghị của cộng đồng DN công nghệ số gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh của các DN trong ngành.
                
   

VDCA cho biết, DN công nghệ số vẫn gặp nhiều rào cản trong kinh doanh. Nguồn: baochinhphu.vn

   

VDCA cho biết, ngày 22/04/2021, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Công văn số 514/TTg-PL tới các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cùng các Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các hội và hiệp hội về việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Nhằm đóng góp cho tiến trình này, VDCA phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã thực hiện rà soát văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh của DN công nghệ số, đồng thời lấy ý kiến của cộng đồng DN về các vấn đề pháp lý vướng mắc mà họ gặp phải trong quá trình vận hành DN.

Theo đó, VDCA cho biết, các ý kiến của cộng đồng DN tập trung tập trung góp ý, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong khung pháp luật hành hành ở 3 nhóm dịch vụ lớn là: dịch vụ nội dung số; dịch vụ trò chơi điện tử; dịch vụ mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp.

Trong đó, các quy định pháp luật gây khó khăn cho DN công nghệ số nội địa gồm cơ chế thanh toán, xác thực người dùng, cấp phép hoạt động, kiểm duyệt nội dung, bảo vệ quyền tác giả, xử lý vi phạm trên mạng xã hội, thời gian lưu trữ dữ liệu và đăng kí tên miền.

Ngoài ra, VDCA cho biết, Hội cũng kiến nghị các vấn đề chính sách - pháp lý mới nảy sinh trong hoạt động kinh doanh của DN công nghệ số, mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh.

Những vấn đề đó là: quảng cáo, thương mại điện tử trên mạng xã hội; cung cấp dịch vụ nội dung nghe nhìn theo yêu cầu trên internet; bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam đối với nền tảng công nghệ, nhất là nền tảng công nghệ xuyên biên giới./.

THIỆN TRẦN
Cùng chuyên mục
Kiến nghị tháo gỡ rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp công nghệ số