Kiên quyết khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội

(BKTO) - Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, Dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) đã bổ sung chế tài đối với việc chậm gửi tài liệu. Quy định này được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình khi cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 08/9.



                
   

Quang cảnh Hội nghị sáng 08/9. Ảnh: quochoi.vn

   

Công khai danh sách tổ chức, cá nhân chậm gửi tài liệu

Trình bày Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nội quy năm 2015, nhiều quy định vẫn đang phát huy hiệu quả. Trên cơ sở thực tiễn và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, đề nghị bổ sung 10 điều, sửa đổi 42 điều, kế thừa nguyên văn 5 điều (tăng 1 điều so với nội quy hiện hành).

Trong đó, liên quan đến tài liệu kỳ họp, Dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định theo hướng: Bỏ quy định dẫn chiếu về việc bắt buộc gửi tài liệu giấy đối với tờ trình, dự thảo văn bản, báo cáo thẩm tra đến đại biểu Quốc hội theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, bổ sung quy định thủ tục xem xét, quyết định lưu hành đối với loại tài liệu chưa được xác định là tài liệu chính thức, tài liệu tham khảo để gửi đại biểu Quốc hội; bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin xấu, độc, không rõ nguồn gốc về nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định hình thức chế tài nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu kỳ họp theo hướng công khai danh sách các cơ quan và lý do gửi chậm tài liệu. Theo đó “Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định này, đồng thời đề nghị bổ sung quy định “Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn” đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Thường trực Ủy ban Pháp luật còn đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định giao Văn phòng Quốc hội theo dõi, tổng hợp danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi tài liệu chậm, lý do gửi chậm làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Cần chế tài chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thống nhất quan điểm cần có hình thức chế tài mạnh hơn với việc chậm gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) đề nghị, cần quy định rõ hơn thời hạn gửi tài liệu chính thức của kỳ họp đến đại biểu Quốc hội; như vậy sẽ hạn chế việc gửi tài liệu chậm, đại biểu không có thời gian nghiên cứu sâu, kỹ nên chất lượng tham gia thảo luận vào các nội dung có liên quan tại kỳ họp có phần bị hạn chế.
                
   

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị quy định cụ thể chế tài xử lý việc chậm gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

   

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn là khâu hết sức quan trọng, được quy định chặt chẽ trong Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi năm 2020. Theo đó, các dự thảo luật, dự án, nghị quyết phải gửi trước đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày và các tài liệu khác chậm nhất là 10 ngày.

Tuy nhiên, tại các kỳ họp vừa qua, nhiều dự thảo luật, dự án, nghị quyết bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung tham gia góp ý của đại biểu Quốc hội. Đây là một hạn chế rất lớn tồn tại nhiều năm qua và chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung trực tiếp vào Điều 7 Dự thảo các chế tài mạnh, chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn theo hướng không trình Quốc hội xem xét đối với các dự thảo, dự án không đảm bảo thời hạn gửi theo quy định.

Đồng thời, bổ sung quy định xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo, dự án trong việc để chậm trễ, nợ đọng dự thảo, dự án, tránh tình trạng nợ, chậm trình dự án luật, đảm bảo thực thi nghiêm quy trình xây dựng pháp luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng chỉ ra thực tế, tình trạng chậm gửi tài liệu đã là chuyện muôn thuở, kỳ họp nào cũng chậm. “Chiều nay thảo luận về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà tối qua đại biểu mới nhận được tài liệu” - đại biểu Hòa nêu ví dụ và cho rằng, Nội quy sửa đổi chỉ nói có chế tài xử lý nhưng không biết cụ thể chế tài là gì thì không thể khắc phục được. Vì vậy, Nội quy kỳ họp phải quy định cho rõ để thể hiện sự cương quyết.

Cũng đồng tình với việc cần có chế tài mạnh mẽ hơn với việc chậm gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) và đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) đề xuất, cần kiên quyết không tiến hành thẩm tra các dự án, dự thảo khi chưa đủ hồ sơ, tài liệu cũng như hồ sơ không đúng thời gian quy định.

Trong khi đó, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng, cần công khai các tổ chức, cá nhân chậm gửi tài liệu trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chứ không phải chỉ gửi đến các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội.

Các ý kiến góp ý tại Hội nghị sẽ giúp các cơ quan hữu quan, nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới./.
Đ. KHOA






Cùng chuyên mục
Kiên quyết khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội