Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

(BKTO) - Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” (Chỉ thị 16) là chủ trương đúng đắn, đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị 16 vẫn còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong thời gian tới.




Ảnh minh họa

Giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước rất lớn là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Điểm lại chặng đường 10 năm thực hiện Chỉ thị 16, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16 đã được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai nghiêm túc, kịp thời, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, lợi ích của công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam.

Việc đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo bền vững mà còn có tích lũy đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, đóng góp một nguồn ngoại tệ của đất nước. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ lao động có kỹ thuật, kỹ năng đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước.

“10 năm qua, mỗi năm, chúng ta đã giải quyết việc làm bình quân cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động trong và ngoài nước, trong đó, số lao động ngoài nước chiếm khoảng 10%. Bình quân mỗi năm lao động và chuyên gia gửi về ước tính khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với trước khi có Chỉ thị. Nhiều tỉnh, thành phố đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách địa phương, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững” - ông Đỗ Ngọc An thông tin.

Đổi mới chính sách lao động, chú trọng cung - cầu

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhận định, Chỉ thị 16 của Ban Bí thư đã thực sự đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều cấp ủy còn mang tính hình thức. Công tác truyền thông về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa rộng rãi, kịp thời đến người lao động có nhu cầu. Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm; chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả còn thấp.

Đặc biệt, công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài nên chất lượng lao động chưa cao và đồng đều, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn nghề nghiệp, mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục tăng nhanh nhưng chất lượng còn thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực. Hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông, trình độ ngoại ngữ thấp nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. Cụ thể, các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64 điểm); Philippines (6,53 điểm) và xấp xỉ Indonesia (5,79 điểm).

Bên cạnh đó, ý thức, tác phong của người lao động còn ỷ lại, chưa chủ động thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình để đi làm việc ở nước ngoài, chưa thể tự giải quyết và chưa biết cách giải quyết những phát sinh trong công việc cũng như cuộc sống. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người lao động, cụ thể là việc chấp hành kỷ luật lao động, nội quy nơi làm việc, các cam kết trong hợp đồng lao động, hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài còn kém hơn so với các các nước khác. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động hết hợp đồng không về nước hoặc tự ý bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 là yêu cầu quan trọng. Trong đó, những vấn đề liên quan đến lao động ngoài nước cần quán triệt quan điểm: “Đổi mới phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách lao động, việc làm bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng của thời đại; gắn trực tiếp các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động, việc làm với mục tiêu phát triển kinh tế… Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, coi đây là xu hướng tất yếu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước. Đặc biệt, chú ý đàm phán với các quốc gia; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước; chú trọng cung - cầu lao động, hướng tới gắn kết giữa lao động trong nước, lao động ngoài nước; xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững…/.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài