Người cho rằng: Sở dĩ từ trước đến nay, dù có gặp rất nhiều khó khăn nhưng Đảng ta vẫn phát triển được, chính là nhờ Đảng có tính tổ chức, tính kỷ luật. Người cũng khẳng định, không có việc gì làm ngoài tổ chức, ngoài kỷ luật mà có thể đạt được thành công, do vậy yêu cầu: “Tất cả cán bộ, đảng viên phải giữ tính kỷ luật, tính tổ chức”.
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức rất chặt chẽ, có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mà từng đảng viên đã tự nguyện vào Đảng thì phải theo, phải chấp hành. Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh đến kỷ luật tự giác, kỷ luật sắt trong Đảng. Người khẳng định: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên” và: “Không có kỷ luật sắt thì không có Đảng”…
Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu Đảng phải thực hiện nghiêm minh kỷ luật Đảng, từng tổ chức, từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tự giác chấp hành kỷ luật Đảng. Người nêu rất rõ ràng: “Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”.
Từng đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thi hành kỷ luật Đảng, bên cạnh những ưu điểm là chủ yếu, cũng xuất hiện những hạn chế, khuyết điểm, trong đó nổi lên là tình trạng “Khinh thường kỷ luật Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra tình trạng nguy hiểm này. Người chỉ rõ: “Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình, nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra: Có một số ít người thì phê bình, giáo dục mấy cũng ỳ ra, không chịu sửa đổi. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện kỷ luật Đảng là cần phải vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn. Đối với những người có sai phạm, biết ăn năn, hối cải, biết quyết tâm sửa chữa, khắc phục thì cần tạo thuận lợi để họ phấn đấu tiến bộ. Còn đối với tình trạng “khinh thường kỷ luật”, ngoan cố, “chây ỳ” của cán bộ đảng viên, quan điểm, thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần phải kiên quyết xử lý.
Như đối với những cán bộ, đảng viên “chây ỳ”, Người yêu cầu: “…với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”. Còn với những cán bộ, đảng viên cố tình, ngoan cố vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”. Ngày 30/10/1950, khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ quan điểm xử lý với những cán bộ ăn hối lộ: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là vấn đề kỷ luật Đảng. Những tư tưởng, lời dạy và tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được toàn Đảng quán triệt, triển khai thực hiện tích cực và hiệu quả. Các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, Nghị quyết của Đảng luôn xác định những chủ trương, giải pháp duy trì và tăng cường chất lượng kỷ luật Đảng. Như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII của Đảng (tháng 10/2021) tiếp tục khẳng định, trong đó xác định phải “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”.
Trước tình trạng “Khinh thường kỷ luật”, “chây ỳ” trong một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ cao cấp, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định và thực hiện xử lý nghiêm minh, kiên quyết, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đảng triển khai tích cực, thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình; phát hiện và xử lý sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn; chủ động, thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách. Đồng thời, Đảng cũng tiến hành các biện pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn tình trạng hữu khuynh, nể nang, né tránh, “im lặng là vàng”, hay những biểu hiện cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối trong nội bộ Đảng.
Vừa qua, Đảng ta đã chú trọng thực hiện đồng bộ, chặt chẽ việc xử lý kỷ luật với bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm vừa xử lý nghiêm minh sai phạm, vừa kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm có vào, có ra, có lên, có xuống, với tinh thần người nào “không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”. Đặc biệt, Đảng ta đã xử lý rất chặt chẽ, bài bản, nghiêm túc và hiệu quả các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng với quan điểm, phương châm: “Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.
Trong nỗ lực chung của toàn Đảng, của các tổ chức đảng, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và của toàn dân cùng đoàn kết, nhất trí đấu tranh ngăn chặn, khắc phục tình trạng “Khinh thường kỷ luật”, “chây ỳ”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự tự giác, cố gắng phấn đấu với quyết tâm, hành động thiết thực để đạt kết quả cao nhất. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra: “Từng đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.