
Tại Diễn đàn Văn hóa doanh nhân năm 2025 với chủ đề “Kinh doanh có trách nhiệm”, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ, văn hóa là nền tảng phát triển, là sức mạnh mềm của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa dân tộc, là biểu hiện của văn hóa dân tộc trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra nhiệm vụ xây dựng văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Xây dựng những giá trị, các chuẩn mực của văn hóa kinh doanh quốc gia chính là yếu tố cốt lõi để thành công, “văn hóa soi đường doanh nhân đi”.
Lãnh đạo VCCI cũng cho biết, trong hành trình xây dựng, phát triển đất nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa kinh doanh và bản sắc văn hóa kinh doanh vẫn chưa thực sự được các doanh nghiệp dành sự quan tâm tương xứng.
Tuy nhiên, theo Lãnh đạo VCCI, hiện nay trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh đang dần trở thành nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đến năm 2045, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, yêu cầu bắt buộc là cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh ngang tầm thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam phải có chung một hệ giá trị tư tưởng, triết lý kinh doanh và những giá trị văn hóa kinh doanh sẽ đem lại "sức mạnh mềm" giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập.
Cũng nhấn mạnh vai trò của văn hóa kinh doanh, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và phát triển, trong đó cạnh tranh kinh tế không chỉ dựa trên lợi nhuận mà còn ở giá trị nhân văn, uy tín và trách nhiệm xã hội. Theo đó, kinh doanh có trách nhiệm - với người lao động, với cộng đồng xã hội, với môi trường và tuân thủ pháp luật - đã và đang trở thành một yêu cầu cấp thiết; đó không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ pháp lý mà còn là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển lâu dài.
“Doanh nhân, doanh nghiệp không thể phát triển đơn độc mà cần đồng hành cùng lợi ích chung, gắn kết với trách nhiệm xã hội, minh bạch trong quản trị và thân thiện với môi trường. Kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, các doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh doanh có trách nhiệm thường có khả năng thích ứng tốt hơn với biến động thị trường, duy trì được đội ngũ nhân sự ổn định và xây dựng được lòng tin vững chắc từ đối tác và người tiêu dùng” - ông Thủy nói.
Bà Vi Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, văn hóa doanh nghiệp là gốc rễ tạo nên sức mạnh nội lực, là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài. Đồng thời, các Nghị quyết của Đảng đều đặt trọng tâm vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp như một phần chiến lược phát triển quốc gia.
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều đơn vị ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam và tổ chức Diễn đàn quốc gia hằng năm. Ngoài ra, hàng loạt hội thảo, hoạt động tuyên truyền, xét chọn doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cũng đã được triển khai rộng khắp, nhằm lan toả tinh thần xây dựng văn hóa doanh nghiệp” – bà Hoài chia sẻ thêm.
Từ đòi hỏi đó, để xây dựng văn hóa kinh doanh, thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc liêm chính, kinh doanh tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường.
Bên cạnh đó, việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội như môi trường hay thể hiện trách nhiệm với các bên liên quan trong hoạt động của mình sẽ là cơ hội để xây dựng mô hình kinh doanh mới hiệu quả và bền vững hơn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang áp dụng phổ biến bộ tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) để đánh giá mức độ phát triển bền vững và tác động phi tài chính của một doanh nghiệp. Do đó, thực hành ESG được xem là phương thức cụ thể để doanh nghiệp thể hiện triết lý kinh doanh có trách nhiệm./.