Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Không nên cấm mà cần quy định rõ điều kiện kinh doanh

(BKTO)- Sáng 15/11, trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.



Đáng chú ý, Dự thảo Luật bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Thẩm tra nội dung này, trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có 2 nhóm ý kiến.

Nhóm ý kiến thứ nhất tán thành Tờ trình của Chính phủ và Dự thảo Luật đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các DN đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các DN này trong Dự thảo Luật.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Nên gọi là dịch vụ xử lý nợ?

Phát biểu thảo luận tại tổ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Lai Châu) cho rằng: Vừa qua, việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ có hiện tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự.

“Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, Luật phải quy định cụ thể ai được làm và khi làm thì cần tuân thủ quy định gì, vi phạm thì xử lý ra sao, còn cấm là không hợp lý”- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quan hệ kinh doanh hiện ngày càng chằng chịt, nếu việc nợ nần thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh.
                
   

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 15/11.

   

Đồng tình với quan điểm không nên cấm, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng: Dịch vụ kinh doanh đòi nợ là nhu cầu của xã hội, cấm thì sẽ biến tướng. “Tín dụng đen bị cấm thì chuyển sang hoạt động trên mạng, đòi nợ thuê cũng thế, nên quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý chứ không nên cấm"- đại biểu Nhường nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), dịch vụ đòi nợ thuê đang tồn tại và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, do chưa được quản lý nên sinh ra biến tướng. Nếu cấm trong khi nhu cầu xã hội vẫn có và nó sẽ vẫn tồn tại dưới hình thức nào đó thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Một sự việc hiển nhiên tồn tại mà không nghiên cứu ra quy định để quản lý và kiểm soát và đưa ra là cấm thì nó sẽ hoạt động chui lủi, thành xã hội đen để thực hiện dịch vụ này, khi đó đẩy cả 2 phía (cung- cầu) vào tình trạng vi phạm pháp luật. Hiện nay, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết cho phép ngân hàng được thu hồi nợ thông qua bên cung cấp dịch vụ đòi nợ nên việc quy định cấm là không ổn.

“Tôi đề nghị cần tiếp tục xem xét quy định này để ban hành quy định chặt chẽ hơn và mạnh tay xử lý đối với các trường hợp biến tướng, làm lũng đoạn xã hội. Chúng ta cần có hệ thống pháp luật để quản lý, chứ không nên không quản được thì cấm”- đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.

Cũng đề cập tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi kinh tế, việc phát sinh dịch vụ này là cần thiết. Vì vậy, không nên bỏ loại dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Tuy nhiên cần quy định đầy đủ hơn về pháp lý cho dịch vụ này hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, quản lý nhà nước và không bị biến tướng. Đại biểu cũng đề nghị không nên để tên là “dịch vụ đòi nợ” vì nó hàm chứa yếu tố bạo lực, nên đổi sang tên khác là “dịch vụ xử lý nợ” bởi nó bao gồm tư vấn nợ và đòi nợ.

Bài và ảnh: MINH ANH
Cùng chuyên mục
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Không nên cấm mà cần quy định rõ điều kiện kinh doanh