Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Kinh nghiệm kiểm toán thuế của một số SAI trên thế giới
Cách đây gần một thế kỷ, Vương quốc Anh đã có quy định “cơ quan kiểm toán quốc gia có trách nhiệm kiểm tra các tài khoản thu NSNN và đánh giá tính đầy đủ của các quy định và thủ tục được thiết lập bởi các bộ phận nhằm đảm bảo việc đánh giá nguồn thu, thực hiện thu ngân sách và phân bổ nguồn thu phù hợp và hiệu quả”. Đây là căn cứ pháp lý để SAI Anh thực hiện kiểm toán thuế.
Hiện nay, SAI Anh áp dụng hai loại hình kiểm toán chính là kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động để đánh giá hoạt động thu thuế. Đồng thời, SAI Anh đã tiến hành kiểm toán với mức độ sâu rộng đến cả các thỏa thuận giải quyết tranh chấp về thuế giữa cơ quan thuế và các công ty lớn. Mặt khác, SAI Anh cũng kiểm tra chi tiết các hồ sơ thuế cụ thể, điển hình như việc kiểm toán thường xuyên hệ thống PAYE (hệ thống thu thuế thu nhập cá nhân lớn nhất nước Anh).
Để thực hiện các cuộc kiểm toán sâu như vậy, SAI Anh tiến hành thu thập và kiểm tra hồ sơ thuế trên hệ thống dữ liệu điện tử. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kiểm toán viên thường xuyên có những báo cáo, kiến nghị xử lý thu hồi thuế đối với các gian lận, sai sót ở quy mô lớn.
Tương tự như SAI Anh, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thanh tra, kiểm toán điện tử đồng bộ và liên kết với các hệ thống thông tin khác của Chính phủ Hàn Quốc. Từ đó, BAI có thể chủ động và thường xuyên thu thập, cập nhật, khai thác thông tin, dữ liệu trong phạm vi chức năng của từng Bộ, ngành.
Hiện nay, BAI đang sử dụng phần mềm U-chech để hỗ trợ kiểm toán viên trong quá trình thanh tra, đối chiếu mã số công dân trong các hồ sơ giao dịch điện tử để phục vụ kiểm toán về thuế thu nhập cá nhân và lĩnh vực an sinh xã hội.
Hơn nữa, BAI cũng có quyền tiếp cận và thu thập thông tin ở mức rất cao thông qua quy định tại Điều 52, Luật về Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc: “Trong trường hợp cần thiết phải kiểm toán các tài khoản... bất chấp các quy định của Luật khác, BAI có thể yêu cầu nộp thông tin hoặc báo cáo mô tả các giao dịch tài chính của những người có thông tin tại tổ chức tài chính và những người làm việc tại tổ chức tài chính không được từ chối”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán thuế của BAI.
Cũng thực hiện kiểm toán sâu như các SAI trên, hoạt động kiểm toán thuế của SAI Trung Quốc dựa trên các nền tảng: Luật thuế do Quốc hội thông qua; các quy định và quy tắc liên quan đến thuế và tài chính công do Chính phủ ban hành; hệ thống chính sách tài chính, thuế được Bộ Tài chính và Cục Thuế nhà nước áp dụng; các quy định, quy tắc thuế địa phương được thực hiện theo luật pháp và các bộ phận tài chính, thuế trong phạm vi quyền hạn của từng địa phương.
Với bốn nền tảng này, SAI Trung Quốc đánh giá việc tuân thủ luật pháp và quy định của Nhà nước tại địa phương, đánh giá việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước và sự phối hợp của các nền kinh tế địa phương. SAI Trung Quốc kiểm toán thuế trên hai khía cạnh chủ yếu: Xem xét các trường hợp không tuân thủ luật pháp và chính sách thuế; kiểm tra đối tượng nộp thuế chính, đồng thời đánh giá việc thực thi luật pháp, quy định và chính sách của cơ quan thu thuế trong việc thu và miễn, giảm thuế, đặc biệt chú ý đến các trường hợp lạm dụng thẩm quyền và vi phạm quy định.
Với mục tiêu kiểm toán như trên, báo cáo kiểm toán thuế của SAI Trung Quốc gồm ba phần: Một là, đánh giá việc thực hiện chính sách thuế của Nhà nước, tình trạng thu, quản lý thuế và việc thực hiện kế hoạch thuế của đơn vị; hai là, các trường hợp chính của việc không tuân thủ về thu thuế và kết luận kiểm toán; ba là, đánh giá, khuyến nghị về tăng cường thu thuế và quản lý các vấn đề trong chính sách thuế, thu và quản lý thuế.
Bài học kinh nghiệm cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam
Thực tiễn kiểm toán thuế của các SAI cho thấy, một số nội dung cơ bản cần được quan tâm và là bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam:
Thứ nhất, KTNN cần hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán thuế và thu thập thông tin điện tử. Theo đó, chức năng nhiệm vụ về hoạt động kiểm toán thuế và thu thập thông tin điện tử được quy định cụ thể tại các đạo luật của cơ quan kiểm toán. Mặt khác, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN trong kiểm toán thuế cần được quy định đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản luật.
Thứ hai, cần xác lập rõ về thẩm quyền thực hiện kiểm toán thuế. KTNN không chỉ có thẩm quyền kiểm toán tại các cơ quan quản lý thu thuế mà còn có thẩm quyền kiểm toán việc chấp hành các quy định về thuế đối với người nộp thuế, bao gồm: các tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế và các cá nhân. Đối với những DN là đối tượng nộp thuế lớn, KTNN cần thiết lập danh sách và giám sát thường xuyên.
Thứ ba, nâng cao vai trò của hoạt động kiểm toán thuế: Tại một số nước, Luật kiểm toán quy định việc kiểm toán thuế là một nội dung quan trọng trong kiểm toán tài chính công với sự quan tâm đặc biệt. Kiểm toán thuế không chỉ thuần túy là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin về thuế mà quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ pháp luật của các đối tượng nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, đồng thời đánh giá tác động của các chính sách thuế đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.
Thứ tư, nội dung và phương pháp kiểm toán thuế cần mang tính chất sâu rộng, gồm: Kiểm toán đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các khía cạnh của thuế như đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thu và quản lý thuế, xử lý vi phạm về thuế. Đồng thời, cần triển khai và đi sâu kiểm toán hoạt động, kiểm toán đánh giá sự ảnh hưởng, tác động của từng sắc thuế đến đời sống xã hội cũng như tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân, đối tượng nộp thuế hiểu rõ các quy định của pháp luật về thuế, đồng thời tăng chế tài xử phạt đối các hành vi gian lận, trốn thuế để tạo dựng nên ý thức không giám gian lận thuế, trốn thuế đối với từng người dân và DN. Đẩy mạnh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt làm cơ sở giảm sự gian lận thuế và trốn thuế.
Thứ sáu, KTNN Việt Nam cần xây dựng nền tảng công nghệ thông tin và đào tạo kiểm toán viên có kỹ năng về công nghệ để đáp ứng yêu cầu kiểm toán hoạt động thu và quản lý thuế; hoàn thiện và phát triển trung tâm phân tích, xử lý dữ liệu lớn; thiết lập cơ chế kết nối, thu thập thông tin liên tục và đồng bộ với các đơn vị được kiểm toán về thuế./.
Sáng 11/11, KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Thực trạng và giải pháp chống thất thu, gian lận thuế ở Việt Nam thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN” do ThS. Nguyễn Thu Bảo và ThS. Nguyễn Đức Sỹ đồng chủ nhiệm. Đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Tổng quan về chống thất thu, gian lận thuế; Thực trạng về chống thất thu, gian lận thuế ở Việt Nam thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN; Giải pháp chống thất thu, gian lận thuế ở Việt Nam thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao Ban Đề tài trong việc tích cực nghiên cứu, chỉ ra nhiều hạn chế ở từng lĩnh vực quản lý thuế, chống gian lận và thất thu thuế; đánh giá thực trạng hoạt động kiểm toán đối với việc chống gian lận và thất thu thuế, chỉ ra các hạn chế và nguyên nhân rất sát thực, có giá trị khoa học cao để làm cơ sở cho việc đưa ra các kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán thuế của KTNN, cũng như đề xuất các nhóm giải pháp giúp cơ quan chức năng bịt lỗ hổng cơ chế, giảm tình trạng thất thu thuế, gian lận thuế. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá. |
ThS. NGUYỄN THU BẢO, Thanh tra KTNN vàThS. NGUYỄN ĐỨC SỸ, KTNN khu vực I