Quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: Đấu giá hay thu thuế tài nguyên?

(BKTO) - Theo Luật Đấu giá tài sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải bán thông qua đấu giá. Tuy nhiên, 13 năm qua kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện vẫn chưa được đấu giá. Vấn đề đặt ra là tại sao chưa thực hiện được quy định này và nếu không đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì có thể thu thuế tài nguyên hay không?




Việc chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là do vướng mắc trong quy định pháp luật. Ảnh sưu tầm
Tần số vô tuyến điện là tài sản công và phải đấu giá

Khoản 7 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về phân loại tài sản công quy định phổ tần số vô tuyến điện là tài sản công. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá gồm: Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện. Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 cũng quy định đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, từ khi Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 có hiệu lực từ ngày 01/7/2010 đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện vẫn chưa được thực hiện.

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan liên quan giải trình rõ tại sao 13 năm qua chưa đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trong khi đó, các nước đều đấu giá và thu rất nhiều tiền còn Việt Nam không đấu giá, cũng không thu tiền (chỉ cấp phép).

Lý giải về vấn đề này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, việc chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là do vướng mắc trong quy định pháp luật: Năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực. Giai đoạn 2010-2014, các doanh nghiệp (DN) viễn thông không có nhu cầu sử dụng thêm băng tần do vừa được cấp phép băng tần cho mạng 3G và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai mạng 3G. Sau khi các quy định về đấu giá tần số vô tuyến điện đã cơ bản được hoàn thiện, năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng Đấu giá để triển khai. Tuy nhiên, năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Bởi vậy, tiến trình đấu giá bị dừng lại để xây dựng nghị định. Ngày 01/10/2021, Chính phủ mới ban ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Cùng với đó, thực tiễn triển khai các quy định nói trên cũng vướng mắc. Bởi lẽ, đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện đấu giá.

Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hay thu thuế tài nguyên?

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bổ sung quy định: Việc cấp giấy phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ đấu giá theo các tiêu chí về năng lực đầu tư, kỹ thuật nghiệp vụ, kinh doanh đảm bảo thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông và tiền trả giá khi tham gia đấu giá của tổ chức. Phương thức cấp phép thông qua đấu giá áp dụng đối với băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất; băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng khác có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ. Dự thảo cũng quy định, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản…

Bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - khẳng định cần thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và cho biết, Bộ đang cùng các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu để ban hành mức giá áp dụng cho DN.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II, vấn đề còn băn khoăn là việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện rất khó khăn, cơ sở để xác định giá khởi điểm là gì..., trường hợp không đấu giá tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì có thể thu thuế tài nguyên như đối với tài nguyên nước hay tài nguyên khoáng sản hay không? Bởi lẽ, theo khoản 7 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về phân loại tài sản công, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản là tài sản công và theo Điều 2 Luật Thuế tài nguyên năm 2009: Nước thiên nhiên, gồm nước mặt và nước dưới đất; khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.

Mặt khác, tần số vô tuyến điện chỉ là tài sản hữu ích khi “thuộc về” DN đủ mạnh và nó trở thành tài sản của DN nhưng nếu tài sản này “vào tay” DN yếu thì việc sử dụng đôi khi còn lãng phí. Chẳng hạn, dải băng tần, kho số cấp cho DN viễn thông như Viettel, MobiFone, VinaPhone trở thành tài sản, giá trị thương hiệu rất lớn của những DN này. Trong khi đó, một số DN viễn thông khác cũng được cấp băng tần, đầu số nhưng lại chưa phát huy được tác dụng. Đây là vấn đề cần được quan tâm để phát huy tối đa tài nguyên quốc gia trên không gian số. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu để ban hành được chính sách vừa đảm bảo nguyên tắc nhà nước sẽ thu vào ngân sách 1 khoản nào đó (qua đấu giá hoặc thu thuế) đối với việc khai thác một loại tài nguyên; việc quản lý tài nguyên thuận lợi và tạo điều kiện cho các DN viễn thông phát triển, thúc đẩy các dịch vụ băng thông rộng, internet tốc độ cao, tạo tiền đề phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.../.
         
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều nước trên thế giới đấu giá hoặc thi tuyển để lựa chọn DN phù hợp khi phân bổ băng tần “quý hiếm”, có thể mang lại lợi nhuận cao cho DN được quyền khai thác, sử dụng. Trong đó, phương thức đấu giá được áp dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay do tính khách quan, minh bạch và phản ánh chính xác nhất giá trị kinh tế của phổ tần. Tại Việt Nam, băng tần được sử dụng để cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất công cộng cũng rất khan hiếm nhưng các trường hợp áp dụng phương thức cấp phép phù hợp đối với băng tần vẫn chưa được cụ thể hóa trong Luật Tần số vô tuyến điện.
THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: Đấu giá hay thu thuế tài nguyên?