Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

(BKTO) - Từ năm 2023, tất cả 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, bảo đảm cho người dân khai thác, sử dụng được thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.



Đây là một trong những mục tiêu được đề ra tại Dự thảo Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Dự thảo) đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý.
                
   

Bộ Tư phápđang xây dựng Dự thảo Đề án“Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” -Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Dự thảo cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tạo thuận lợi, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được tăng cường năng lực để đáp ứng yêu cầu cơ bản về tiếp cận pháp luật của người dân.

Đến năm 2024, hoàn thành việc rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khả thi.

Đến năm 2027, phấn đấu 80% tổ chức đại diện cho các nhóm đặc thù, yếu thế được nâng cao năng lực, đầu tư nguồn lực để trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng cần thiết cho các thành viên của tổ chức mình nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật và đạt 100% vào năm 2030.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, các mục tiêu dự kiến trên được xây dựng dựa trên cơ sở đánh giá những mặt tích cực, hạn chế tronghoạt động phổ biến giáo dục pháp luật thời gian qua.

Về mặt tích cực,các cơ quan nhà nước đã chủ động thực hiện trách nhiệm và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho người dân tiếp cận pháp luật.

Cùng vớiđó,nội dung phổ biến giáo dục pháp luậtđã có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn; hình thức phong phú, sáng tạo, đem lại hiệu quả tích cực. Các thiết chế hành chính, tư pháp (tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý) từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, một bộ phận người dân, trong đó có các nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống và sự hiểu biết, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thể chế, chính sách, các cơ chế bảo đảm công khai, minh bạch để người dân tiếp cận chủ trương, chính sách, pháp luật được thuận lợi, kịp thời, đầy đủ còn bất cập, chưa thông suốt, thuận tiện. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa thực sự được quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa được đẩy mạnh.

Đặc biệt, việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và nâng cao năng lực của các cơ quan nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân chưa được quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa... Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến việctiếp cận pháp luật, năng lực tiếp cận của người dân.

Vì vậy, Bộ Tư pháp đánh giá, việc ban hành và thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” là hết sức cần thiết. Đề án sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần bổ sung, bổ trợ cho các chương trình, đề án về phổ biến giáo dục pháp luật đang được các Bộ, ngành thực hiện, qua đó hướng đến mục tiêu cao nhất nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật./.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân