Kinh tế dần phục hồi, thu ngân sách đạt gần 70% dự toán

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 ước đạt 1.188,1 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 74,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 65% dự toán). Trong đó, thu nội địa ước đạt 995 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023.

anh-t46-47-1.png
Tổng thu ngân sách từ sản xuất - kinh doanh ước đạt 94,6% dự toán. Ảnh minh họa

Trong số thu nội địa, thu tiền sử dụng đất ước đạt 106,3 nghìn tỷ đồng, mặc dù mới đạt 46,9% dự toán, song vẫn tăng 90,6% so với cùng kỳ, trong đó một số địa phương đã tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm 2024. Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 32,7 nghìn tỷ đồng, bằng 76,1% dự toán, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 82,9 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán, tăng 1,8% so cùng kỳ.

Các khoản thu nội địa còn lại ước đạt 755,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,6% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 67,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, riêng thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 49% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh) đến cuối tháng 7/2024 các doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (quý IV/2023, kỳ quyết toán năm 2023 và ký tạm nộp quý I, quý II/2024). Thu thuế thu nhập cá nhân đạt 72,1% dự toán, tăng 15,1% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản (tăng khoảng 65%) và thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán (tăng khoảng 32,6%). Bên cạnh đó, một số khoản thu có tiến độ thu đạt khá (trên 60% dự toán) như: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 62,7% dự toán, tăng 13,8%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 192,9% dự toán, thu khác ngân sách đạt 81,5% dự toán.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 26/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng ước đạt trên 65% dự toán. 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 158,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,7% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ về công tác thu, ông Mai Xuân Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho hay, 7 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt 68,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 114,9% so với cùng kỳ. Số thu đạt khá chủ yếu tập trung tại các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận chênh lệch của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và khối các công ty xổ số...

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, bên cạnh việc nền kinh tế có dấu hiệu dần hồi phục, những nỗ lực từ các hoạt động nghiệp vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế đem lại nhiều hiệu quả chống thất thu, tăng thu cho ngành.

Về quản lý hải quan, theo ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - thương mại những tháng qua có nhiều điểm tích cực.

7 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu đạt 14,53 tỷ USD. Điều này cũng tác động tích cực tới công tác thu, giúp số thu của ngành hải quan đạt 337 nghìn tỷ đồng, đạt 63% dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu ngành tài chính khi sửa đổi, bổ sung các quy định trong phạm vi của Bộ Tài chính phải bao trùm hết các mảng lĩnh vực đang phát sinh vướng mắc, cần phải thay đổi. Với những luật, văn bản liên quan do Bộ, ngành khác quản lý, đề xuất sửa đổi, các đơn vị phải tham gia một cách có trách nhiệm, hiệu quả, tránh sửa rồi vẫn vướng. Xây dựng chính sách pháp luật phải phù hợp thực tiễn, nhưng cũng phải hướng tới tương lai, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế phát triển - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị toàn ngành tài chính tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh; đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, như: kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh theo chuỗi… phấn đấu thu đạt và vượt dự toán đề ra, ưu tiên tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp./.

Cùng chuyên mục
  • Kinh tế Hải Dương tiếp tục tăng trưởng ổn định
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm của tỉnh cơ bản ổn định. Công nghiệp tiếp tục tăng cao do các ngành công nghiệp chủ lực phát triển tốt. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, nguồn cung dồi dào...
  • Việt Nam đứng thứ 55/166 quốc gia được xếp hạng về phát triển bền vững
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo xếp hạng toàn cầu về chỉ số phát triển bền vững SDGs (SDGs Index), năm 2023, Việt Nam đạt điểm số 73,3 và xếp thứ 55/166 quốc gia được xếp hạng. Điểm số của Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện nhưng vị trí chưa thay đổi so với năm 2022.
  • Cần khung pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển năng lượng xanh
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Viện Kinh tế Việt Nam sẽ chắt lọc các ý kiến chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp ngành năng lượng… để xây dựng báo cáo kiến nghị chính sách gửi Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng xanh theo Chiến lược đã đề ra - TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.
  • Chủ động vùng nguyên liệu: Tạo ưu thế cho xuất khẩu nông, lâm sản
    3 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, xuất khẩu nông, lâm sản tiếp tục là điểm sáng, góp phần khẳng định vai trò bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, xuất khẩu.
  • Nam Định cần phấn đấu để trở thành một cực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Tỉnh Nam Định đã đạt kết quả khá toàn diện trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Đến thời điểm này, Nam Định đã đạt và vượt 11/12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong đó: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 9,2%/năm, trong tốp tăng trưởng cao của cả nước; thu ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng.
Kinh tế dần phục hồi, thu ngân sách đạt gần 70% dự toán