Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp công nghệ giảm kỳ vọng tăng trưởng

(BKTO) - Theo kết quả khảo sát thực hiện vào tháng 5-6/2023, tất cả các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia trong ngành không kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, viễn thông khi 71,4% nhận định chỉ duy trì đà tăng trưởng và 28,6% nhận định đà tăng trưởng sẽ suy giảm trong 6 tháng cuối năm 2023.

4(1).jpg
FPT lọt Top 10 danh sách các công ty công nghệ thông tin, viễn thông uy tín nhất năm 2023. Ảnh sưu tầm

Doanh nghiệp ngành công nghệ “ngấm” khó khăn

Giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, các DN ngành công nghệ thông tin, viễn thông đã “ngấm” những khó khăn do sức cầu yếu, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát tăng cao.

Theo số liệu thống kê, quý I/2023, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin và kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử Việt Nam giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu toàn ngành tính ước đạt 845.577 tỷ đồng, đạt 20% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng rõ nét đến nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành công nghệ thông tin, viễn thông.

Sự giảm tốc này được dự báo sẽ ít nhiều còn ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách đầu tư và chi tiêu cho công nghệ thông tin, viễn thông của các khách hàng trong năm tới và sẽ có sự phân hóa trong diễn biến của các phân khúc dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông.

Kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành tháng 3/2023 chỉ ra công nghệ thông tin, viễn thông dẫn đầu Top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới với tỷ lệ 63,6% số DN lựa chọn.

Tuy nhiên, với kết quả từ quý đầu năm và diễn biến trên thị trường thế giới, triển vọng tăng trưởng đã thấp đi đáng kể.

Theo kết quả khảo sát thực hiện vào tháng 5-6/2023, các DN và chuyên gia trong ngành đều không kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, viễn thông khi 71,4% nhận định sẽ duy trì đà tăng trưởng và 28,6% nhận định sẽ có sự suy giảm đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023 - ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết.

3(1).jpg
Kết quả khảo sát của Vietnam Report qua các năm

Theo chia sẻ của các DN công nghệ thông tin, viễn thông, Top 4 khó khăn, thách thức mà các DN trong ngành đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2023 gồm: tuyển dụng và giữ chân nhân tài (64,3% DN lựa chọn); thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới (57,1%); cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong ngành (46,2%) và hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư (42,9%).

Như vậy, có thể thấy, tuyển dụng và giữ chân nhân tài là thách thức lớn nhất mà ngành công nghệ dự báo sẽ gặp phải trong năm 2023.

Các chuyên gia nghiên cứu bình luận, cơ hội từ làn sóng đầu tư của các DN FDI cùng với các hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực… khiến nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ gia tăng, đặc biệt là nhân sự cho các mảng quan trọng liên quan tới vận hành, giám sát hệ thống.

Dự báo, từ nay đến năm 2024, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000 đến 200.000 kỹ sư công nghệ thông tin mỗi năm. Sự thiếu hụt này có một phần nguyên nhân đến từ chất lượng của đội ngũ lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các DN trong và ngoài nước.

Việc thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới cũng là một thách thức lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, tất cả các DN lọt vào danh sách các công ty công nghệ, viễn thông, dịch vụ phần mềm uy tín năm 2023 đều có hoạt động chuyển đổi công nghệ mới trong năm 2022.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần thiết phải hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, hành lang pháp lý đối với những công nghệ mới một cách hợp lý. Bởi hành lang pháp lý hiện chưa đồng bộ, gây khó khăn cho DN khi đưa sản phẩm đến với người sử dụng, đồng thời làm giảm tính cạnh tranh giữa các DN trong nước với các DN nước ngoài.

6 động lực thúc đẩy thị trường công nghệ

Mặc dù được nhận định có thể gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn, song các DN vẫn tin tưởng vào triển vọng trung và dài hạn của ngành. Kết quả khá khả quan khi các DN nhận thấy 6 động lực mạnh mẽ sẽ thúc đẩy thị trường công nghệ Việt Nam năm 2023.

Trong đó, 85,7% DN kỳ vọng vào các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của Chính phủ. Theo báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu năm 2022, Việt Nam hiện đứng thứ 48 trong số 132 nền kinh tế về năng lực đổi mới sáng tạo, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời, là một trong ba nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất khi tăng hơn 20 bậc trong thập kỷ qua.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Chính phủ luôn chú trọng ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông và coi đây là lực đẩy chủ đạo gắn với sự tiến bộ của nền kinh tế. Các chương trình như chuyển đổi số quốc gia, chương trình phát triển tài sản trí tuệ và an ninh mạng đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, Bộ, ban, ngành, địa phương trên cả nước.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở chiến dịch hỗ trợ DN công nghệ số vươn ra thế giới, cùng động thái đầu tiên là thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn Hỗ trợ DN công nghệ số đi ra nước ngoài”.

Với thuận lợi từ những chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế số, coi đây là mục tiêu được ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia của Chính phủ thực sự sẽ tạo cơ hội lớn cho các DN công nghệ thông tin, viễn thông, hậu thuẫn cho các DN trong ngành duy trì nhịp tăng trưởng, phát triển vững mạnh trong thời gian tới.

Cùng với đó, 57,1% DN kỳ vọng ở tỷ lệ người dùng Internet và các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ công nghệ của Việt Nam ở mức cao so với thế giới.

Theo báo cáo Vietnam Digital 2023, tính đến tháng 01/2023, Việt Nam có gần 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người dùng so với tổng dân số ghi nhận tăng trưởng từ mức 73,2% lên 79,1%.

Năm 2022 cũng ghi nhận tỷ lệ người dân thay đổi số lượng thiết bị so với năm trước tăng 3,6%; theo đó, trung bình mỗi người dân sở hữu 1,64 thiết bị so với mức 1,58 thiết bị trong năm trước đó.

Những số liệu trên chỉ báo tiềm năng mà các DN trong ngành có thể mở rộng khai thác khách hàng, tạo ra đột phá tăng trưởng và đóng góp vào tiến bộ của nền kinh tế kỹ thuật số.

Thêm nữa, 50% DN tin tưởng vào làn sóng chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; cùng với đó, công tác chuyển đổi số được đẩy nhanh trở thành xu thế tất yếu của thế giới cũng là những động lực rất lớn cho tăng trưởng.

Trong khi đó, môi trường đầu tư, kinh doanh đang tiếp tục được cải thiện tích cực; số lượng thương vụ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ đang gia tăng mạnh mẽ. Những động lực này sẽ chấp cánh thêm cho các DN công nghệ thông tin, viễn thông.

Để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội tăng trưởng trong tương lai gần, các DN đã chia sẻ Top 6 chiến lược ưu tiên thực hiện trong năm 2023, bao gồm: nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (85,7% DN lựa chọn); tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (71,4%); tăng cường hoạt động R&D (64,3%); nâng cao uy tín, hình ảnh của DN trên truyền thông (53,8%); nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro (51,7%); cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (50%).

Cùng chuyên mục
Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp công nghệ giảm kỳ vọng tăng trưởng