Kinh tế tư nhân: Lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới

(BKTO) - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kinh tế tư nhân (KTTN) phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế...

5b.jpeg
KTTN ngày càng thể hiện là động lực quan trong nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Ảnh: ST

Kinh tế tư nhân trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu

Trong bài viết: Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, những thành công trên chặng đường gần 40 năm đổi mới có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực KTTN. Giai đoạn đầu đổi mới, KTTN chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài, thì trong hai thập niên trở lại đây, khu vực này trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trong nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.  

Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Thực tế này được Tổng Bí thư dẫn chứng: Với gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực KTTN hiện đóng góp 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. KTTN không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. "Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới" - Tổng Bí thư khẳng định.

Tuy nhiên, dù đóng góp ngày càng lớn, KTTN hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn". Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế, thiếu sự kết nối với nhau cũng như với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; chưa tận dụng tốt các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, chậm chuyển đổi số. Rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ít chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ hoặc sáng tạo sản phẩm mới. “Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân rất khó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị doanh nghiệp và vươn tới đẳng cấp quốc tế” - Tổng Bí thư đúc kết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Hệ thống pháp luật nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ công chức trong thực thi công vụ. Mặt khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả, công bằng giữa các khu vực kinh tế và không dễ tiếp cận đối với KTTN.

Cần quyết liệt cải cách thể chế, môi trường kinh doanh

Tổng Bí thư chỉ rõ, những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.  

Vì vậy, Tổng Bí thư cho rằng, KTTN phải xác định rõ hơn về sứ mạng và tầm nhìn là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế. KTTN cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030; ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế; cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng. Cần quán triệt lại nhận thức về vai trò của KTTN là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước...  

Không dừng lại ở những nội dung có tính chủ trương, đường lối sáng suốt và tư duy sắc bén, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư còn đề cập 7 giải pháp trọng tâm vừa toàn diện, vừa cụ thể, thể hiện tầm nhìn xa và khát vọng về một tương lai tươi sáng của dân tộc. Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị, để KTTN thật sự cất cánh, phát huy tối đa tiềm năng thì chúng ta phải thực hiện nhanh và quyết liệt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tổ chức nhà nước, cải cách thể chế quản lý, đổi mới thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cụ thể, Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt khu vực KTTN với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị: Phải cải cách thể chế, kiến tạo nền hành chính "phục vụ doanh nghiệp - phụng sự đất nước": Cần quyết liệt cải cách thể chế trên cơ sở đổi mới tư duy về nền hành chính hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; quyết đoán trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước nhằm giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức; thiết lập cơ chế đối thoại, phản biện hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tham gia góp ý vào quá trình hoạch định chính sách kinh tế, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi cao...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, bài viết của Tổng Bí thư đã đề cập đến những vấn đề cốt lõi nhất, thiết thực nhất không chỉ đối với sự phát triển của KTTN mà còn những vấn đề quốc kế dân sinh, không những cho hiện tại mà còn cho chặng đường phía trước của dân tộc. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và cả xã hội đặt trọn niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng được gieo mầm từ những lời nói và những dòng chữ của Tổng Bí thư; mong muốn tâm huyết và trí tuệ của Tổng Bí thư sớm lan tỏa trong toàn Đảng, hệ thống chính trị, toàn dân; từ đó hiện thực hóa kỷ nguyên mới của đất nước, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc./.

Cùng chuyên mục
  • Gam màu “sáng, tối” trong bức tranh doanh nghiệp
    11 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Số liệu thống kê cho thấy bức tranh doanh nghiệp (DN) trong 2 tháng đầu năm 2025 có nhiều gam màu “sáng, tối” đan xen, trong đó đáng chú ý là số lượng DN rút lui khỏi thị trường vẫn khá cao. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các DN cải thiện “sức khỏe” và trụ vững trên thị trường.
  • Xây dựng chính sách thuế hỗ trợ hiệu quả mục tiêu tăng trưởng
    11 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Việc xây dựng chính sách thuế cần bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Đây là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhấn mạnh trong định hướng hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
  • Nhật Bản: Ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất
    11 ngày trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhật Bản (tức Ngân hàng trung ương Nhật Bản - BoJ) ngày 19/3 tuyên bố giữ nguyên lãi suất vì nền kinh tế phải đối mặt với những biến động khó dự đoán liên quan đến các biện pháp thuế quan từ Mỹ. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Hội đồng chính sách BoJ.
  • Năm 2025, nên “bỏ trứng” vào “giỏ” nào?
    11 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, dự báo năm 2025, bất chấp những thách thức trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ đạt kết quả khả quan, khoảng 7,5 - 8%. Trong bối cảnh đó, các kênh đầu tư về cơ bản sẽ có triển vọng tích cực, do đó nhà đầu tư nên quyết định lựa chọn kênh đầu tư dựa theo khẩu vị rủi ro, năng lực tài chính và mức độ hiểu biết để tối ưu hóa lợi nhuận.
  • Quyết tâm tháo gỡ các dự án vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công
    11 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Tại buổi làm việc với Sở Tài chính TP.HCM, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được cho biết, sẽ cùng các sở ngành, địa phương quyết tâm giải quyết, tháo gỡ các công trình, dự án tồn đọng, tạo động lực cho tăng trưởng của Thành phố.
Kinh tế tư nhân: Lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới