Kinh tế tuần hoàn “xanh hóa” tại Tiến Nông

(BKTO) - “Tại Tiến Nông, chúng tôi nhận thấy chuyển đổi sang sản xuất xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu” - đó là kim chỉ nam hành động của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong.

Dùng phụ phẩm sản xuất phân bón hữu cơ thay thế nguyên liệu phải khai thác

Tới thăm nhà máy tại Bỉm Sơn có quy mô 20 ha của Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, rất ít ai nghĩ đây là một nhà máy sản xuất phân bón bởi phần lớn diện tích tại đây được phủ một màu xanh mướt mát với bạt ngàn cây ăn trái như: thanh long đỏ, đu đủ, mít, xoài... Cùng với đó là các vườn rau trồng theo mùa vụ để cung cấp cho bếp ăn công nhân của nhà máy. Đáng chú ý là các vườn cây này đều dùng phân bón hữu cơ, được sản xuất theo phương pháp vi sinh từ các phế thải, do vậy, nhà máy quy mô lớn với hàng trăm công nhân nhưng hàng ngày, tối đa chỉ thải ra 5kg rác, do tất cả đều đã được xử lý, tuần hoàn để quay lại phục vụ chăm bón cho các vườn cây.

tien-nong-1.jpg
TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (phải) cùng Tổng Giám đốc Công ty Tiến Nông - Nguyễn Hồng Phong (trái)  trao đổi về sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón chứa silic. Ảnh: Nguyễn Duyên. 

Tổng Giám đốc Công ty Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, nhận thức về việc phải chuyển đổi sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu phát thải, cách đây hơn 10 năm, ông đã đi quan sát các phế thải nông nghiệp cũng như phế thải trong sản xuất công nghiệp; và tìm tòi, phân tích các chất dinh dưỡng cũng như các chất có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường trong những phế thải. Qua đó, ông đã tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp của mình. Đó là, với các chất thải nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, có thể tận dụng được các chất hữu cơ cũng như khoáng chất phốt pho, kali để đưa vào làm nguyên liệu. Còn với các chất thải công nghiệp thông dụng có thể tận dụng được các khoáng chất như can xi, magiê và silic… Từ đó, Tiến Nông đã tạo ra quy trình sản xuất dùng các phụ phẩm để sản xuất phân hữu cơ thay thế các nguyên liệu phải khai thác.

Ông Nguyễn Hồng Phong cho biết: Sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp Tiến Nông giảm thiểu được ảnh hưởng đến môi trường, tiết kiệm được tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế của cả chu trình chuỗi giá trị của doanh nghiệp. 

tien-nong-6.jpg
Tiến Nông đã thành công và chọn đi đúng hướng khi nghiên cứu, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất ra phân bón hữu cơ, thay thế các nguyên liệu phải khai thác. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và phụ phẩm trong sản xuất công nghiệp đã giúp Tiến Nông tiết kiệm được nhiều tài nguyên, qua đó, góp phần bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, đối với phân vô cơ chứa silic, đã giải quyết được 10% thay thế các nguyên liệu khác. Còn với phân hữu cơ sử dụng chất thải chăn nuôi trồng trọt, tỷ lệ này là 40% thay thế các nguyên liệu phải khai thác. Đây là con số rất có ý nghĩa với Tiến Nông cũng như với môi trường.

Đầu tư bài bản vào công tác nghiên cứu và phát triển

Là nhà sản xuất các sản phẩm phân bón và hóa chất nông nghiệp với mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là những nhóm cây trọng điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam: lúa gạo, cà phê, mía đường, hồ tiêu, rau-hoa-quả, Tiến Nông luôn tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh.

tien-nong-2.jpg
Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) được chú trọng đầu tư chuyên sâu và bài bản tại Tiến Nông.
Ảnh: Nguyễn Duyên 

Tại Tiến Nông, công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) được chú trọng đầu tư chuyên sâu và bài bản. Ông Nguyễn Viết Giang - Trưởng phòng Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Khoa học và Công nghệ Tiến Nông chia sẻ, bằng kinh nghiệm sản xuất phân bón gần 30 năm, Tiến Nông đã nhận thức được xu thế tất yếu chuyển đổi sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Do vậy, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu, biến các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp thành nguồn nguyên liệu có ích, giúp cải tạo đất, tránh ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất phân bón, đồng thời tiện lợi cho bà con nông dân sử dụng.

Với những phụ phẩm nông nghiệp, bằng công nghệ hữu cơ vi sinh, Trung tâm đã nghiên cứu xử lý để biến thành dạng nguyên liệu, từ đó sản xuất ra phân bón hữu cơ, giúp cây trồng dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng, đồng thời cải tạo môi trường đất, qua đó, nâng cao hiệu quả cho người nông dân khi sử dụng phân bón Tiến Nông có bổ sung nguồn nguyên liệu hữu cơ vi sinh.

Thời gian tới, hướng nghiên cứu của Trung tâm tiếp tục tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu, tận dụng các nguồn rác thải, tối ưu sử dụng dinh dưỡng trong đất, khai thác các khoáng chất có sẵn tại Việt Nam, đặc biệt là silic, sản xuất ra phân bón hữu cơ giúp cây trồng tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường.

Nhờ chú trọng các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tạo đột phá trong từng sản phẩm, Tiến Nông đã đưa đến người nông dân những sản phẩm phân bón chất lượng và hiệu quả.

Chúng tôi đã được tham quan khu vực canh tác có sử dụng sản phẩm phân bón của Tiến Nông tại thôn Đại Sơn, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, ông Phạm Văn Xô - người dân trồng lúa cho biết, diện tích trồng lúa của gia đình là 2 ha đều sử dụng phân bón Tiến Nông. Ông Xô cho biết, nhiều năm qua, người dân xã Hà Long đã tin dùng sử dụng phân bón của Tiến Nông vì giúp đem lại năng suất cao, hàm lượng silic trong phân bón Tiến Nông giúp thân cây lúa cứng cáp, hạn chế sâu bệnh.

Không những thế, phân bón Tiến Nông còn giúp người nông dân xã Hà Long giảm thiểu được rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Nếu trước phải dùng thuốc bảo vệ thực vật là 10 thì giờ chỉ sử dụng 2-3, thậm chí còn không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận, sâu bệnh, tăng năng suất của cây trồng - ông Phạm Văn Xô chia sẻ thêm.

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu 

“Tại Tiến Nông, chúng tôi nhận thấy chuyển đổi sang sản xuất xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu” - lời chia sẻ và cũng là kim chỉ nam hành động của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong đã giúp Tiến Nông trở thành một trong những đơn vị tiên phong và đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực này.

tien-nong-4.jpg
Dây chuyền sản xuất phân bón NPK Tiến Nông tại nhà máy Bỉm Sơn - Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Duyên   

Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Phong nêu rõ, để phát triển được theo mô hình này, cần phải có sự kết hợp từ ba phía, đầu tiên là nhận thức của chủ doanh nghiệp - phải có trách nhiệm với sản phẩm và môi trường sống của mình, cùng với đó là sự quan tâm của các cấp chính quyền, và sự đồng thuận của người dân về sử dụng sản phẩm giảm phát thải.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Phong cũng cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn để có thể chấp nhận mức giá sản phẩm tuần hoàn cao hơn chút so với sản phẩm thông thường, bởi chỉ riêng vấn đề đốt than, đốt củi, hay sử dụng điện sạch là giá sẽ khác nhau. Do vậy, nếu người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm kinh tế tuần hoàn có mức giá cao hơn 3-5% so với sản phẩm thông thường thì cũng chính là có trách nhiệm với môi trường sống của mình.

TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Mặt khác, ngành nông nghiệp cũng phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai sau ngành năng lượng sinh ra từ các quá trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý đất, trồng lúa nước,…

Chính vì thế, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón.

TS Phùng Hà đánh giá cao những nỗ lực của Tiến Nông trong công tác nghiên cứu và phát triển, nhất là việc dùng các phụ phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ thay thế các nguyên liệu phải khai thác. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong thời gian tới của ngành phân bón nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Cùng chuyên mục
Kinh tế tuần hoàn “xanh hóa” tại Tiến Nông