Kinh tế Việt Nam 2016: Tiếp tục xu thế tăng trưởng

(BKTO) - Các yếu tố trong nước, quốc tế tương đối thuận lợi cho kịch bản tốtnhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2016 là tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Nhưngkịch bản này khả thi đến đâu còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tếvà chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô,nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trước ngưỡng cửa hội nhập sâuvào nền kinh tế thế giới và khu vực.



Năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%.Ảnh: TK

Kinh tế 2015 khởi sắc trong khó khăn

Bình luận rằng kinh tế Việt Nam 2015 đã “Khởi sắc trong khó khăn”, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nêu rõ, mặc dù trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn nhưng kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi ấn tượng.

Tốc độ tăng trưởng GDP đã vượt xa mục tiêu đề ra từ đầu năm (mục tiêu là 6,2% và thực tế công bố đạt 6,68%) và là mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua. Xét trong 4 năm liên tiếp (2012-2015), tốc độ tăng trưởng GDP năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,25%, năm 2013: 5,42%, năm 2014: 5,98% và năm 2015: 6,68%). Điều này phản ánh xu hướng phục hồi vững chắc!

Về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng ở mức rất thấp, bình quân năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với năm 2014. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2015 cũng chỉ tăng 2,05% so với năm trước. Góp phần vào tỷ lệ lạm phát thấp là do giá dầu thế giới giảm mạnh và giữ nguyên ở mức thấp, giá lương thực, thực phẩm cũng thấp và ổn định. Đây là những “cú sốc” tích cực lên tổng cung, giúp làm tăng sản lượng và giảm tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế.

Bên cạnh 2 chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng phản ánh bức tranh tổng thể của nền kinh tế là tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát, nền kinh tế cũng đạt được những bước tiến tích cực về xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững và hiệu quả.

Triển vọng nào cho năm 2016?

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng thời kỳ tăng trưởng nhanh của kinh tế thế giới sắp chấm dứt và kinh tế thế giới lại bước vào chu kỳ 7-8 năm mới với suy thoái và tăng trưởng đan xen như đã diễn ra trong suốt 50 năm qua. Trong bản báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu 2015-2016 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cơ quan này vẫn đưa ra dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2016, thấp hơn so với những con số trong dự báo trước đó. Đó cũng là nhận định chung của WB, OECD, hay nhiều cơ quan dự báo kinh tế khác. Việc IMF công nhận đồng nhân dân tệ tham gia rổ tiền tệ dự trữ quốc tế sẽ có thể đưa tới những hệ lụy khó đoán định cho Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khi bị thâm hụt thương mại và đầu tư quy mô lớn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn được các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế nhận định sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng của năm 2015. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7% và tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt dưới 5%. Tất nhiên, Chính phủ luôn kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng cao hơn nữa và tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo nhóm nghiên cứu EIU (Economist Intelligence Unit), GDP Việt Nam được dự báo tăng xấp xỉ 7%, tương đươngmục tiêu tăng trưởng được Quốc hội đề ra. Với tốc độ này, Việt Nam đứng thứ 9 trong nhóm nước có tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới.

Còn theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 sẽ đạt 6,6% (gần sát với mục tiêu kế hoạch của Chính phủ là 6,7%).Tuy nhiên, WB đã cảnh báo những rủi ro mà Việt Nam có thể sẽ gặp phải do hệ quả của quá trình tái cơ cấu chậm chạp, nợ xấu chưa được xử lý triệt để, mặc dù tỷ lệ nợ xấu đã ở mức dưới 3% (theo báo cáo của Chính phủ).

Tỷ lệ lạm phát được dự báo tiếp tục nằm ở mức thấp. Vì theo các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, giá dầu thế giới không có xu hướng tăng trong nhiều năm tới vì nguồn cung dầu đang dư thừa.

Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, cùng với quyết tâm cải cách hành chính, cải cách tư pháp thì một trọng tâm cần được đẩy mạnh là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Bước sang năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị tích cực cho việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do. Cơ hội mở ra đồng nghĩa với gánh nặng của hội nhập cũng đè lên vai cả các cơ quan Chính phủ và cộng đồng DN. Điều cần làm quyết liệt trong năm 2016 là đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, cải tiến pháp luật kinh doanh theo xu hướng tạo thuận lợi nhất cho DN cạnh tranh và phát triển.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Kinh tế Việt Nam 2016: Tiếp tục xu thế tăng trưởng