Trước năm 1986, Việt Nam là một nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với mô thức quản lý hành chính, mệnh lệnh. Chế độ phân phối mang tính bao cấp theo kiểu “Bán như cho, mua như cướp” đã làm thui chột mọi động lực kinh tế.
Đối mặt với thực trạng đó, tháng 12/1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra chính sách Đổi mới, mở đầu cho quá trình cải cách toàn diện, mà trọng tâm là cải cách kinh tế. Mục tiêu của Đổi mới là chuyển đổi Việt Nam từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhờ tác động của chính sách Đổi mới, từ những năm 1990, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng GDP rất ngoạn mục. Kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng trung bình hằng năm vào khoảng 6-7%. GDP năm 2023 đạt 409,8 tỷ USD, tăng gấp 44,4 lần so với năm 1975. Cấu trúc kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 16,5% năm 1975 lên 40,3% năm 2023; trong khi đó, tỷ trọng khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 42,3% xuống 15,4%.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng mạnh. Tính đến năm 2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt trên 400 tỷ USD.
Đổi mới không chỉ là cải cách kinh tế mà còn là cải cách thể chế. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Các luật về doanh nghiệp, đầu tư, và lao động đã được sửa đổi để tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch hơn. Nhờ đó, Việt Nam đã cải thiện đáng kể vị trí của mình trong Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Năm 2020, Việt Nam được xếp hạng thứ 74 trong số 190 nền kinh tế, đạt 69,1 điểm. Năm 2023, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 65 trong số 190 nền kinh tế, đạt khoảng 70,2 điểm.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, các chính sách Đổi mới cũng đã tập trung vào cải thiện điều kiện sống cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 58,1% năm 1990 xuống 2,31% năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.527 USD, gấp 18,6 lần so với năm 1975. Các chương trình giáo dục và y tế cũng được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện cho một lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn.
Việt Nam cũng đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, như: Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và ASEAN. Những hiệp định này không chỉ mở rộng thị trường cho các sản phẩm Việt Nam, mà còn thúc đẩy cải cách trong nhiều lĩnh vực nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức cần phải vượt qua.
Trước hết, đó là cơ sở hạ tầng kém phát triển. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững. Hệ thống giao thông và logistics lạc hậu làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa, khiến thời gian và chi phí vận chuyển tăng lên, ảnh hưởng đến năng suất lao động và giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nó còn làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư thường tìm kiếm môi trường với cơ sở hạ tầng tốt để đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và ít rủi ro. Hạ tầng lạc hậu cũng có thể hạn chế quyền tiếp cận của người dân đến các dịch vụ cơ bản, như: Y tế, giáo dục, và nước sạch, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn hoặc xa xôi. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Hạ tầng yếu kém có thể làm gia tăng tác động của thiên tai như lũ lụt và bão, đồng thời hạn chế khả năng phục hồi và thích ứng của cộng đồng với các thay đổi môi trường. Do đó, việc cải thiện hạ tầng không chỉ là một nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sống và đảm bảo an ninh xã hội.
Thứ hai là sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Phụ thuộc này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững và khả năng cạnh tranh của đất nước trong tương lai. Khi nền kinh tế dựa trên lợi thế lao động giá rẻ, nó có thể bị giới hạn trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, như: May mặc và sản xuất đơn giản. Điều này hạn chế khả năng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp hiện đại hơn và sáng tạo hơn. Nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ thường phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và có thể dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về nhu cầu toàn cầu và chính sách thương mại quốc tế. Điều này có thể dẫn đến bất ổn kinh tế khi có các cuộc khủng hoảng hoặc thay đổi chính sách từ các quốc gia nhập khẩu chính. Nền kinh tế cạnh tranh chủ yếu dựa vào chi phí lao động thấp có thể dẫn đến áp lực giữ cho mức lương thấp và điều kiện làm việc không được cải thiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, mà còn hạn chế khả năng tiêu dùng nội địa và phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp ở đây là chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục và đào tạo để nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn.
Thứ ba là biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Với đường bờ biển dài, đồng bằng thấp và sông ngòi nhiều, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt, bão, xói mòn đất. Biến đổi khí hậu còn gây ra hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nông nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ đang tạo ra áp lực lớn lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như: Nước, đất, rừng. Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên có thể dẫn đến suy thoái môi trường và thiếu hụt tài nguyên trong tương lai. Thực hiện các chiến lược phát triển xanh, bảo vệ môi trường và quản lý bền vững là rất quan trọng.
Thứ tư là công nghệ lạc hậu. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại. Nó làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ kỹ không thể đạt được hiệu quả sản xuất tối ưu, dẫn đến chi phí cao và chất lượng sản phẩm thấp hơn. Công nghệ lạc hậu còn khiến Việt Nam kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những người thường tìm kiếm môi trường kinh doanh hiệu quả và hiện đại để đặt cơ sở sản xuất. Ngoài ra, công nghệ lạc hậu không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế, mà còn gây hại cho môi trường. Việc chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ mới hạn chế khả năng đổi mới và chuyển đổi số của Việt Nam. Nâng cấp công nghệ và cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Thứ năm là chênh lệch giàu nghèo và phát triển không đồng đều. Đây là những thách thức ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống từ kinh tế đến xã hội và môi trường. Trong khi các thành phố lớn đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thì nhiều vùng nông thôn và các tỉnh miền núi lại gặp phải sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Điều này tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập và cơ hội giữa đô thị và nông thôn, khiến cho người dân ở các khu vực ít phát triển khó có thể cải thiện đời sống. Sự phân bố không đều về chất lượng giáo dục giữa các khu vực cũng làm trầm trọng thêm vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Các khu vực đô thị thường có trường học tốt hơn và nhiều cơ hội học tập hơn, trong khi nhiều khu vực nông thôn vẫn thiếu thốn cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có trình độ. Sự chênh lệch về phát triển dẫn đến làn sóng di cư từ nông thôn đến đô thị, làm gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng đô thị. Chênh lệch giàu nghèo lớn và sự phát triển không đồng đều có thể dẫn đến sự bất mãn xã hội, tăng nguy cơ xảy ra xung đột và làm suy giảm niềm tin. Để giải quyết những thách thức này cần có những phản ứng chính sách hiệu quả của Nhà nước và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cả cộng đồng, nhằm tạo ra một môi trường phát triển bền vững và công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, những cải cách kinh tế của Việt Nam trong 49 năm qua đã chứng minh là đúng hướng và hiệu quả. Đổi mới đã không chỉ giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng, mà còn đặt nền móng cho một quá trình phát triển bền vững. Kết quả là Việt Nam đang trên đà trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu ở khu vực châu Á. Vượt qua các thách thức và tiếp tục cải cách là chìa khóa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước./.