Kinh tế Việt Nam: Triển vọng và thách thức

(BKTO) - Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% vào năm 2023. Tuy vậy, các rủi ro, thách thức có thể sẽ cản trở đà phục hồi của nền kinh tế.



                
   

   

Các động lực cho tăng trưởng

Theo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam và triển vọng năm 2022-2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sự phục hồi của nền kinh tế có thể đạt được trong năm nay và năm 2023 trước hết là nhờ tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao.

“Tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, gây gián đoạn. Sự chuyển hướng kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Andrew Jeffries - cho biết.

Cũng theo ADB, các giải pháp tài khóa và tiền tệ ước tính lên đến 15 tỷ USD để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023 sẽ góp phần gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa, cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế.

Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ sự phục hồi của cầu nội địa và giá hàng hóa toàn cầu tăng.

Hoạt động du lịch mở cửa trở lại vào giữa tháng 3 và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, với dự báo tăng 5,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm nay. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.
                
   

Nguồn: ADB

   

Sự tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cùng sự dịch chuyển lao động phục hồi sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam. Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8 - 10% trong năm nay.

Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên và tiêu dùng trong nước phục hồi. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2% vào năm 2023.

Rủi ro ngắn hạn cản trở khả năng phục hồi của nền kinh tế

Tuy vậy, theo ADB, triển vọng phục hồi của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn. Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kể từ giữa tháng 3 có thể cản trở quá trình trở lại bình thường của nền kinh tế trong năm nay.

Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do chiến sự Nga - Ukraine sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát.

Hơn nữa, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát.

Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và các chính sách của Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng mặc dù các nước trong khu vực chuyển hướng sang chu kỳ thắt chặt.
                
   

   

ADB nhận định: Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nợ xấu gia tăng là một rủi ro khác trong trung hạn. Nếu tính thêm các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng của Việt Nam ước tính là 8,2% tổng dư nợ.

Thách thức triển khai chương trình phục hồi kinh tế

Việc triển khai hiệu quả Chương trình ERDP giúp Việt Nam khôi phục động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, quá trình này sẽ gặp một số thách thức về mặt chính sách.

Cụ thể, theo ADB, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cấu phần quan trọng nhất của ERDP và hoạt động này đã được phân bổ ngân sách 113 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) cho các năm 2022 và 2023. Việc đảm bảo triển khai cấu phần này một cách kịp thời có thể gặp nhiều khó khăn do các thủ tục đầu tư công phức tạp và cứng nhắc, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, tái định cư và mua sắm đấu thầu.

“Để thực hiện kịp thời, Việt Nam cần đơn giản hóa triệt để và thay đổi các quy định về đầu tư công cũng như công tác phối hợp chính sách”- ADB khuyến nghị.

Tổng mức hỗ trợ lãi suất lên đến 40 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD). Đây là cấu phần tài khóa chính của ERDP, dự kiến sẽ thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa có thể không đáp ứng được các tiêu chí về mức độ tín nhiệm và khả năng phục hồi để vay vốn bởi tình hình tài chính và năng lực của họ đã bị suy yếu vì đại dịch Covid-19.

Một mối quan ngại khác là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như cổ phiếu hoặc bất động sản. Điều này đã xảy ra với một chương trình tương tự vào năm 2009. Do đó, ADB khuyến nghị, để tránh tình huống này, các cơ quan hữu quan cần có hướng dẫn rõ ràng và phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện ERDP.

Cấu phần tài khóa quan trọng khác của ERDP là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 cho các sản phẩm và dịch vụ hiện đang chịu mức thuế VAT 10%. Tổng giá trị cắt giảm thuế khoảng 49 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD). Chính sách này có thể tạo ra các tác động chuyển tiếp đáng kể và trên diện rộng nếu được thực hiện thành công.

Tuy nhiên, các tiêu chí đáp ứng điều kiện và thủ tục rất phức tạp có thể hạn chế khả năng tiếp cận của DN đối với chính sách giảm thuế VAT. Do vậy, theo ADB, Việt Nam cần có các tiêu chí về đáp ứng điều kiện và thủ tục rõ ràng hơn để hỗ trợ thực hiện chính sách này một cách nhanh chóng./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • Kinh tế Hà Nội phục hồi rõ rệt
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Quý I/2022, kinh tế Hà Nội phục hồi rõ rệt, các cân đối lớn được đảm bảo. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 5,83%, gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), bằng với kịch bản tăng trưởng (từ 5,7-6,2%) Thành phố đề ra.
  • Hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.
  • Ghi nhận 49.124 ca nhiễm Covid-19 mới tại 61 tỉnh, thành phố
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Theo Bản tin của Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 05/4 đến 16h ngày 06/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 49.124 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 49.124 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.871 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 35.177 ca trong cộng đồng).
  • Infographic - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước. Đây mức tăng CPI tháng 3 cao nhất kể từ năm 2012.
  • Infographic - Quý I/2022: GDP tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Kinh tế Việt Nam: Triển vọng và thách thức