Nhiều DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Chính sách bảo hiểm đang đạt tiến độ triển khai tốt nhất
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg đã được triển khai một cách nhanh chóng, đạt được kết quả khả quan. Trong đó, nhóm chính sách về bảo hiểm đang đạt tiến độ triển khai tốt nhất với sự thuận lợi trong hồ sơ thủ tục, cũng như ưu đãi về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (giảm từ mức đóng 0,5% xuống 0%).
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến giữa tháng 8/2021, BHXH các tỉnh, thành phố đã hoàn tất thủ tục, gửi thông báo đến 375.335 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11.238.437 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7/2021-6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, TP.HCM là địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng lớn nhất cả nước với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu người lao động được hỗ trợ; tổng số tiền hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng.
Tiếp đó là TP. Hà Nội có trên 87.000 doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu người lao động; tổng số tiền hỗ trợ trên 640 tỷ đồng. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh… cũng là những địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm đóng rất lớn.
Đồng thời với việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục giảm đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 238 đơn vị sử dụng lao động với 41.425 lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 292,3 tỷ đồng tại 35/63 tỉnh, thành phố.
Chính sách BHXH đang hỗ trợ tích cực cho người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN |
Bên cạnh việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, giải quyết hồ sơ tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH Việt Nam đã xác nhận danh sách cho 274.610 người lao động của 15.179 đơn vị sử dụng lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ tại 60/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó có 178.280 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 14.044 đơn vị; 15.230 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 526 đơn vị; 170 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 02 đơn vị; 34.345 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 362 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã xác nhận cho 32.140 lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 124 đơn vị; 14.445 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 121 đơn vị.
Tích cực vào cuộc thực hiện thống nhất trong toàn ngành
Để kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh gặp khó khăn do dịch Covid-19 như trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã vào cuộc tích cực, chỉ đạo thống nhất thực hiện trong toàn ngành.
Theo đó, BHXH TP.HCM đã khẩn trương vào cuộc với quyết tâm, nỗ lực rất lớn. Đáng chú ý, BHXH TP.HCM đã điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ từ 2 ngày và 4 ngày xuống còn 1 ngày làm việc với các thủ tục: hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng, ngừng việc; tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố đã khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ DN và người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN |
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cơ quan BHXH TP.HCM nhận định, có rất nhiều đối tượng người lao động và đơn vị sử dụng lao động cần được hỗ trợ. Do đó, cơ quan đã tổ chức làm việc ngoài giờ hành để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.
Còn tại Hà Nội, cơ quan BHXH Thành phố đã thành lập Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, BHXH TP.Hà Nội yêu cầu BHXH các quận, huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm thời gian tối đa để người lao động, người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ kịp thời.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, ngay sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo, bám sát các đơn vị sử dụng lao động để tư vấn, hướng dẫn. BHXH tỉnh cũng đã khẩn trương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản triển khai trên địa bàn.
Kết quả, có gần 11.000 DN với hơn 750.000 người lao động thuộc diện hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhận được thông báo và quyết định giảm đóng với tổng số tiền hỗ trợ hơn 330 tỷ đồng.
Theo đánh giá của bà Trần Thị Thanh Hà - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính sách BHXH lần này đã hỗ trợ đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tấn công trực tiếp vào công nhân lao động và các DN, vì vậy, việc Chính phủ đưa nhóm đối tượng này vào danh sách hưởng lợi là rất chính xác để tiếp sức cho khôi phục sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, đây là gói hỗ trợ với thủ tục thông thoáng, đơn giản hóa đến mức tối đa, thời gian được rút ngắn với phương châm tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận dễ dàng nhất.